|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủy sản Việt Nam năm 2019: Cần vượt qua nhiều thách thức

22:11 | 31/01/2019
Chia sẻ
Năm 2018, ngành thủy sản ghi nhận những kết quả nổi bật với giá trị sản xuất tăng 7,7% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9 tỷ USD. Dù vậy, bước sang năm 2019, dự báo ngành sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
thuy san viet nam nam 2019 can vuot qua nhieu thach thuc

Năm 2019, yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm của một số thị trường lớn ngày càng cao. (Ảnh minh họa: KV)

Nhiều thách thức cần vượt qua

Năm 2018, thủy sản ghi nhận với giá trị sản xuất đạt khoảng 228.139,8 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017, đồng thời kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%. So với chỉ tiêu tại phương án tăng trưởng năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất vượt 2,4%, kim ngạch xuất khẩu đạt 90%. Đây là thành quả thể hiện nỗ lực của thủy sản trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, bước sang năm 2019, các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là động lực giúp cho thương mại của Việt Nam có nhiều thuận lợi cũng như cả những thách thức. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, có thể tạo ra cơ hội nhưng cũng có khả năng tạo ra những bất ổn.

Các thị trường chính tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm như: Hoa Kỳ, EU, Ả rập Xê út, Hàn Quốc… Đặc biệt, việc EC cảnh báo thẻ vàng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU từ cuối năm 2017 cũng gây khó khăn với ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành khai thác thủy sản nói riêng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với sự biến động vốn có của thị trường, đi cùng với những thuận lợi luôn là những thách thức. Trong đó, những thách thức đòi hỏi hệ thống từ cơ quan nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi phải chuyển đổi về ý thức.

“Ví dụ về an toàn thực phẩm, không phải là chuyện mới, nhưng nếu không duy trì hoặc làm tốt hơn thì khi đã bị cảnh báo sẽ mất điểm của nhiều năm nỗ lực. Trong năm tới, đã có những thách thức mà hiện nay chúng ta nhận diện được. Đơn cử như một số nước lớn khu vực châu Âu hoặc là Mỹ đang áp dụng chương trình kiểm soát nhập khẩu. Đây sẽ là những điểm nhấn thách thức cho các doanh nghiệp, cùng với cơ quan nhà nước sẽ phải chung tay nhiều hơn để vượt qua” – ông Nam cho hay.

Cùng với những tác động khách quan, những khó khăn nội tại trong năm 2018 vẫn chưa hẳn được tháo gỡ. Đặc biệt là tình trạng các cơ sở hậu cần nghề cá như: cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão… dù đã được quy hoạch, đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất, vẫn còn tình trạng thiếu cảng để neo đậu và bốc dỡ sản phẩm khai thác.

Thực tế thiếu lao động trong khai thác hải sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ do không có lao động đi biển. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ.

Nỗ lực toàn diện trong năm 2019

Năm 2019, Tổng cục Thủy sản tập trung đưa Luật Thủy sản 2017 đi vào cuộc sống, đồng thời tiếp tục chỉ đạo sản xuất thủy sản bám sát định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

Với mục tiêu đề ra: tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7.983,8 nghìn tấn (tăng 3,1%), kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 10 tỷ USD, ngành thủy sản đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

Cụ thể, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị, xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến 2025; trình phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, triển khai các nội dung của đề án cá tra 3 cấp.

Trên lĩnh vực khai thác thủy sản, tập trung triển khai các quy định mới, phát triển khai thác thủy sản theo hướng không tăng sản lượng nhưng tăng giá trị thông qua ứng dụng khoa học công nghệ về bảo quản sau thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển, đặc biệt là chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương.

Tiếp tục duy trì và triển khai đàm phán song phương, thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước để góp phần giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vấn đề trên biển trong chống khai thác IUU, phát triển nuôi biển và kêu gọi đầu tư vào các trung tâm nghề cá lớn.

Song song với đó, tập trung thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư vào các cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn, tập trung hoàn thành một số cảng cá đang được đầu tư để nâng công suất các cảng cá với tổng lượng hàng qua cảng tăng thêm khoảng 30 nghìn tấn, hoàn thành một số khu neo đậu để nâng công suất thêm khoảng 6 nghìn tàu cá.

Định hướng phát triển ngành thủy sản trong năm tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần xã hội hóa nhiều hơn những công tác mà ngành “gánh còn khá nặng”. Đặc biệt, trong khu vực khai thác, cần rà soát đánh giá lại kế hoạch tổng thể trung và dài hạn để hình thành nghề cá hiệu quả. Đồng thời, cần quan tâm đến vấn đề thiết chế hạ tầng; trong nuôi trồng, cần tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nuôi, phát huy tiềm năng vùng nuôi còn dư địa, thủy sản đặc sản.

Mặt khác, cần chú ý đến hai sản phẩm chủ lực của thủy sản là tôm và cá tra. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các nội dung của Luật Thủy sản, hoàn thiện văn bản pháp luật và tổ chức triển khai với quyết tâm hành động cao nhất./.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

BT