Khó có khả năng Mỹ để doanh nghiệp nhà làm ăn tiếp với Huawei
Ảnh: Reuters
Bloomberg dẫn nguồn từ ông Rob Strayer, phó thư ký phụ trách chính sách mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết chính phủ Mỹ sẽ không loại trừ các hình phạt bổ sung cho những nước đồng minh từ chối cấm thiết bị Huawei Technologies trong mạng 5G, bên cạnh hình thức cắt đứt đồng minh ra khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo.
Ông Strayer không nêu cụ thể các hình phạt bổ sung mà Washington đang tính đến.
Huawei, hãng sản xuất thiết bị và linh kiện cho mạng di động, lần đầu bị Washington đưa vào danh sách đen hồi tháng 5.
Mỹ cấm hãng này nhận nguồn cung mọi thứ xoay quanh công nghệ, từ chất bán dẫn cho đến ứng dụng của Google chạy trên smartphone, từ các doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên sau đó, chính phủ Mỹ có tạm hoãn lệnh cấm để hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp nhà phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh với Huawei. Thời hạn 90 ngày đã được gia hạn một lần song sẽ kết thúc vào ngày 19.11 sắp tới.
Loại giấy phép chung tạm thời mà các hãng Mỹ làm ăn với Huawei đang hưởng "thường không tồn tại mãi", ông Strayer cho biết. Chúng chỉ được thiết kế để hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp và ngăn chặn sự gián đoạn tức thì trên thị trường.
Giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng Washington sẽ tái đánh giá chuyện chia sẻ thông tin tình báo với các nước cho phép Huawei hoặc doanh nghiệp Trung Quốc khác xây dựng mạng 5G vì lo ngại các hãng Trung Quốc có thể là công cụ gián điệp cho Bắc Kinh.
Huawei và nhiều quan chức quốc gia Đông Á liên tiếp phủ nhận cáo buộc từ Mỹ.
Ý kiến của quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra khi Liên minh châu Âu (EU) đang rục rịch công bố đánh giá toàn diện, chung của cả khối về rủi ro an ninh với mạng 5G vào đầu tháng 10.
Các nước thành viên EU cần đồng ý với biện pháp cho toàn khối vào cuối năm nay. Các biện pháp này có thể bao gồm yêu cầu chứng nhận, thử nghiệm hoặc xác định nhà cung ứng nào là "không an toàn".
Việc đạt thỏa thuận trên toàn liên minh về bất cứ biện pháp an ninh nào xoay quanh Huawei cũng được đánh giá là khó khăn. Tại một số nước như Hungary, nơi có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc, nhiều quan chức xem Huawei là "đối tác chiến lược quan trọng".