|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khí tự nhiên - giải pháp năng lượng giá rẻ cho các 'thợ đào' Bitcoin

23:23 | 16/05/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá trị của đồng Bitcoin vẫn đang ở mức cao trong nhiều năm và quan ngại ngày càng gia tăng về lượng năng lượng tiêu thụ để “đào” Bitcoin, các doanh nhân khai thác đồng tiền kỹ thuật số này ở Mỹ đã tìm ra giải pháp, đó chính là khí tự nhiên.

 Các trung tâm khai thác Bitcoin tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ để vận hành khối lượng lớn máy tính chuyên dụng nhằm giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là "đào" Bitcoin. 

Là loại tiền điện tử phổ biến nhất hiện nay, trong vòng chưa đầy 1 năm, giá trị của đồng Bitcoin tăng từ mức chưa đến 10.000 USD/BTC lên khoảng 50.000 USD/BTC vào giữa tháng Năm. Điều này tạo động lực cho các “thợ đào” tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ để gia tăng lợi nhuận của họ.

Một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng khí tự nhiên ở gần các giếng dầu là nguồn điện hoàn hảo. Các khí tự nhiên này nếu không sử dụng sẽ bị cháy ngoài không khí. 

Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đốt cháy lượng khí tự nhiên dư thừa nếu họ không thể tìm ra cách thức xử lý chúng, một phần bởi giá khí đốt thấp và việc xây dựng đường ống dẫn khí phức tạp.

Khí tự nhiên - giải pháp năng lượng giá rẻ cho các 'thợ đào' Bitcoin - Ảnh 1.

Một xưởng đào ethereum tại Romania. (Ảnh: Bloomberg).

Mặc dù việc đốt cháy khí tự nhiên cũng tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết khoảng 150 tỷ m3 khí tự nhiên đốt cháy trên toàn thế giới trong năm 2019 thải ra lượng khí CO2 tương đương với mức phát thải của Italy (I-ta-li-a). 

Việc sử dụng khí tự nhiên để cung cấp năng lượng cho các trung tâm khai thác tiền điện tử không hoàn toàn chấm dứt việc phát thải, nhưng nó hiệu quả hơn so với việc để nguồn năng lượng này bị lãng phí.

Lợi thế hàng đầu của khí tự nhiên là chi phí. Chỉ số tiêu thụ điện năng để khai thác Bitcoin do Đại học Cambridge tính toán (CBECI) ước tính chi phí điện năng trung bình trên toàn cầu để khai thác Bitcoin là khoảng 0,05 USD/KWh. Matt Lohstroh, nhà đồng sáng lập Giga Energy Solutions, cho biết việc sử dụng khí tự nhiên có thể giảm chi phí xuống dưới 0,018 USD/KWh.

Nhu cầu đối với giải pháp trên đang tăng lên nhanh chóng từ năm ngoái khi Bitcoin và các loại tiền điện tử khác như Ethereum và Dogecoin đã tăng giá đột biến do đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và các công ty bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến công nghệ chuỗi khối. 

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường chỉ trích vấn đề tiêu hao năng lượng cũng như lượng khí thải carbon tạo ra từ quá trình "đào" Bitcoin góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Từng được coi là một trong những người tiên phong trong việc đưa Bitcoin vào các giao dịch mua bán, góp phần làm tăng giá trị của đồng tiền ảo, nhưng tuần này Elon Musk - Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất xe điện lớn nhất thế giới Tesla - lại bất ngờ tuyên bố ngừng giao dịch đồng tiền kỹ thuật số này.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Elon Musk viết: "Xu hướng sử dụng năng lượng để tạo ra Bitcoin trong những tháng qua là khủng khiếp". Theo biểu đồ CBECI, dựa vào chỉ số thống kê hàng năm, việc sử dụng năng lượng để "đào” Bitcoin đã tăng không ngừng từ năm 2016, thậm chí tăng vọt trong năm 2020 và lên tới mức hiện tại là 149 terawatt-giờ (TWh), mức cao nhất mọi thời đại.

Viện dẫn việc đốt than để tạo năng lượng khai thác Bitcoin, sinh ra lượng khí thải carbon, ông chủ của tập đoàn Tesla tuyên bố hãng sẽ không còn chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch mua bán ô tô điện của mình. 

Thông báo trên đảo ngược quyết định hồi cuối tháng Ba của Tesla, chấp nhận thanh toán bằng tiền Bitcoin và đầu tư 1,5 tỷ USD vào đồng tiền kỹ thuật số này.

Quyết định bất ngờ của ông Elon Musk đã khiến đồng tiền kỹ thuật số này lao dốc, báo trước những trở ngại cho các đồng tiền kỹ thuật số khác đã tăng giá mạnh trong những tháng gần đây. Theo trang tin Coindesk, đồng Bitcoin đã giảm giá khoảng 12%, xuống dưới 50.000 USD trong 24 giờ sau thông báo của ông Musk.

Mai Ly

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.