|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Financial Times: Dogecoin - sới bạc đỏ đen khiến người chơi mờ mắt đâm đầu vào?

16:05 | 12/05/2021
Chia sẻ
Cơn sốt của dogecoin - đồng tiền ảo "hệ Shiba Inu" chỉ càng chứng tỏ thị trường tiền ảo là một sới bạc may rủi, Financial Times cảnh báo nhà đầu tư không nên nghiêm túc hóa những tài sản chẳng khác gì trò đỏ đen này.

Thị trường tài chính quái lạ với những GameStop, dogecoin

Theo Financial Times, thị trường tài chính năm 2021 là một mớ hỗn độn khó hiểu. Đầu năm, cổ phiếu của hãng trò chơi điện tử GameStop nhảy vọt 1.500% sau khi được các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên mạng xã hôi Reddit hô hào ủng hộ.

Đến gần giữa năm, dogecoin - một đồng tiền ảo được tạo ra cho vui, tăng như tên bắn hơn 15.000% khi hàng loạt những nhà đầu tư sừng sỏ như Elon Musk đến nhân vật "showbiz" như nữ người mẫu Ngọc Trinh cùng chen chân vào thị trường.

Financial Times: Dogecoin - sới bạc đỏ đen khiến người chơi mờ mắt đâm đầu vào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: CoinDesk.

"Bạn có muốn Tesla chấp nhận thanh toán bằng dogecoin không", CEO của hãng xe điện Tesla, "nhà công nghệ" tự phong Elon Musk đặt câu hỏi trên mạng xã hội Twitter hôm 11/5.

Dòng tweet trên chỉ là một trong rất nhiều bình luận của Elon Musk về dogecoin - đồng tiền ảo bắt nguồn từ bức ảnh chế chú chó Shiba Inu với những dòng độc thoại nội tâm như "Wow", "Sợ quá" hay "Tránh xa tôi ra".

Chiều ngày 11/5, "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh bất ngờ đăng bài trên Facebook yêu cầu sàn giao dịch Bilaxy trả 2 triệu USD. Bài đăng gây xôn xao, vì ít người nghĩ một nữ người mẫu như Ngọc Trinh đang chơi tiền ảo.

Sau đó không lâu, Ngọc Trinh tiếp tục viết một bài khác, khoe danh sách tiền ảo gồm bitcoin, tether, shiba và dogecoin, tổng giá trị ước tính hơn 21 triệu USD. Trên Facebook, cô viết: "Đây là bao nhiêu tiền mà các em bảo chị không có tiền. Đàn DOGG và SHIBB của chị mà lên 1 USD thì..."

Dogecoin có cơ chế hoạt động tương tự bitcoin, cả hai là các đồng tiền mã hóa được quản lý trên một hệ thống được gọi là blockchain. Tuy nhiên, khác với đồng tiền ảo giá trị nhất thế giới hiện nay, từ đầu dogecoin vốn là một trò mua vui chứ không hề được coi là một tài sản đầu tư mới mẻ.

Song, một số nhà đầu tư vẫn tin tưởng dogecoin sẽ "dân chủ hóa thị trường tài chính", hoặc trở thành "đồng tiền tệ dự trữ toàn cầu", hoặc thay đổi thế giới, vì kể từ khi được tạo ra vào tháng 12/2013, đồng tiền ảo in hình Shiba Inu đã tăng trưởng vượt trội hơn cả bitcoin.

Financial Times: Dogecoin - sới bạc đỏ đen khiến người chơi mờ mắt đâm đầu vào? - Ảnh 2.

Trong cùng giai đoạn trên, giá bitcoin tăng trưởng đáng kinh ngạc 7.700%, nhưng dogecoin còn tăng như "gắn tên lửa" gần 200.000%. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, giá bitcoin tăng khoảng 90% thì giá dogecoin đã nhảy vọt 15.000%.

Hay nói cách khác, nếu bạn muốn hái bộn tiền từ thị trường tiền ảo trong 7 năm rưỡi qua và mua vào bitcoin thay vì dogecoin thì ắt là bạn đã thua thiệt. Song, cơn tăng điên cuồng của dogecoin lại chỉ chứng minh chúng ta không nên nghiêm túc với bitcoin và các đồng tiền ảo khác.

Theo Financial Times (FT), các nhà đầu tư tiền ảo thường muốn tiêm nhiễm vào đầu người chơi rằng một ngày nào đó bitcoin sẽ vượt qua đồng USD hoặc tiền ảo là công cụ chống lạm phát. Tuy nhiên, thực tế là lập luận của họ chỉ là nỗ lực tư lợi để thổi giá tiền ảo.

Người chơi bitcoin từ sớm thường có động cơ để lùa "lứa gà" mới vào thị trường. Dù làm giàu rõ ràng là nguyên nhân chính và trên thực tế một số người đã trở nên giàu sụ nhờ tiền ảo, thì đó cũng không phải yếu tố thúc đẩy duy nhất.

Financial Times: Dogecoin - sới bạc đỏ đen khiến người chơi mờ mắt đâm đầu vào? - Ảnh 3.

Đầu tư tiền ảo nên được xem như một hình thức cờ bạc, và do đó, người ta mua tiền bitcoin hay dogecoin không chỉ vì họ có thể kiếm tiền mà còn vì giao dịch tiền ảo rất có tính giải trí, FT lập luận.

"Giả thuyết thị trường buồn chán"

Không phải ngẫu nhiên mà tiền ảo và các "cổ phiếu meme" như GameStop tăng mạnh trong năm nay, khi phần lớn người dân trên khắp thế giới vẫn phải ở yên trong nhà để phòng chống dịch bệnh.

Đó chính là hệ quả của "giả thuyết thị trường buồn chán" (boredom markets hypothesis) mà nhà báo Matt Levine của Bloomberg gọi tên cách đây không lâu. Người ta dễ dàng tiếp cận thị trường tiền ảo hơn các sới bạc, đặc biệt là ở những nền kinh tế quản lý nghiêm ngặt hoạt động đánh bạc như Mỹ.

Xuống tiền vào bitcoin hoặc dogecoin khiến nhà đầu tư cảm thấy phấn khích, như thể họ đang ở một cộng đồng nào đó. Dù "niềm vui" thường không được coi là một thước đo truyền thống để tính ra giá trị của một tài sản, điều đó cũng không có nghĩa là đầu tư không mang niềm vui.

Rõ ràng, nhà đầu tư hẳn phải thấy hưng phấn khi xuống tiền mua một thứ gì đó có thể tác động đến số tiền mà người khác bỏ ra để mua chúng, điểm này đặc biệt đúng với một đồng tiền ảo vốn tạo ra cho vui và "rẻ bèo" như dogecoin.

Người ta thường lập luận rằng, tài sản nào càng khan hiếm thì càng đắt đỏ. Song, chính sự tồn tại của dogecoin lại như một cái tát giáng thẳng vào quan điểm lâu nay của thị trường rằng bitcoin "làm giá" vì số lượng hạn chế hơn.

Hiện nay, nhà đầu tư chỉ có thể khai thác tối đa 21 triệu bitcoin, không hơn không kém. Các đồng tiền ảo ăn theo bitcoin như dogecoin không có giới hạn nguồn cung, và đến nay chúng ta có gần 10.000 đồng tiền ảo như thế.

Thành công của dogecoin cho chúng ta kết luận rằng, nhà đầu tư mua chúng bởi vì rót tiền vào chúng thú vị, cho họ cái để làm và thảo luận với bạn bè, và tất nhiên dogecoin có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng (cùng một mức giá rẻ mạt, chưa đến 1 USD/DOGE).

Trước khi Elon Musk xuất hiện trên chương trình tạp kỹ Saturday Night Light của đài NBC hồi cuối tuần trước, các nhà đầu tư dogecoin trên khắp nước Mỹ còn phấn khích mở tiệc, mời bạn bè đến cùng tham gia để hóng biến.

Tuy nhiên, cơn sốt dogecoin còn phát đi một tín hiệu khác: hãy ngừng nghiêm túc hóa thị trường tiền ảo. Dù sao nhà đầu tư vẫn có thể rót tiền vào những tài sản nghiêm túc hơn như chứng khoán, FT kết luận.

Yên Khê