|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bitcoin: Tiền ảo, hậu quả thật

09:16 | 23/02/2021
Chia sẻ
Bitcoin là một đồng tiền ảo, song tác động của hoạt động khai thác bitcoin với môi trường là có thật và rất nghiêm trọng

Cuối tháng 1 năm nay, giá cổ phiếu của chuỗi cửa hàng bán lẻ trò chơi điện tử GameStop tăng vọt 1.700% chỉ trong vài ngày trước khi lao dốc thảm hại. Hiện tại, trong khi đợt tăng điên cuồng của GameStop đã kết thúc thì cách thức giao dịch tương tự đã tràn vào thị trường tiền điện tử.

Bong bóng trên thị trường chứng khoán thường có thể gây ra một số hệ lụy như làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Giá bitcoin liên tục phá kỷ lục và leo lên mức cao cũng tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực đối với khí hậu.

Bitcoin là đồng tiền điện tử lâu đời nhất, được phát hành dưới dạng một phần mềm mã nguồn mở. Một trong các công nghệ thú vị gắn với bitcoin là blockchain - hệ thống ghi lại tất cả các giao dịch trong một danh sách công khai.

Bitcoin được "cha đẻ" Satoshi Nakamoto tạo ra như một hệ thống thanh toán thay thế không nằm dưới quyền kiểm soát của các ông lớn ngành tài chính. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tập đoàn, các startup fintech và thậm chí các doanh nghiệp Phố Wall cũng đã chen chân vào thị trường bitcoin.

Kể từ khi bitcoin ra đời, chúng ta không chỉ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều đồng tiền điện tử khác mà còn chào đón nhiều sàn giao dịch cho phép mọi người mua và bán tiền điện tử. Chính điều này đã giúp hoạt động đầu cơ giá tiền điện tử trở nên dễ dàng hơn.

Nhà đầu tư có thể mua bitcoin trên các sàn giao dịch, nhưng họ cũng có thể tự đào bitcoin. Đào bitcoin chính là quá trình đưa đồng bitcoin mới vào lưu thông. Cứ khoảng 10 phút một lần, một "khối" mới lại được thêm vào chuỗi blockchain của bitcoin.

Người đầu tiên xác minh các giao dịch trị giá 1 megabyte trên blockchain và xác định chính xác dãy số thập lục phân gồm 64 chữ số liên kết với khối mới sẽ nhận được 6,25 bitcoin làm phần thưởng. Hiện tại, ở mức giá 56.800 USD/BTC, 6,25 bitcoin trị giá hơn 355.000 USD.

Về cơ bản, xác định đúng dãy số thập lục phân 64 chữ số là công việc mang tính phỏng đoán và cần rất nhiều năng lực tính toán để tìm ra. Các thợ đào có thể khai thác tối đa 21 triệu bitcoin (hiện tại có khoảng 18,5 triệu bitcoin đang lưu hành trên thị trường).

Bitcoin là ảo, nhưng ít nhất một hệ lụy của nó là thật - Ảnh 1.

Đổ xô về Tân Cương đào bitcoin

Để có lợi nhuận, các thợ đào bitcoin cần phải hoạt động ở những khu vực có giá điện thấp, vì khai thác tiền ảo tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Và giá điện rẻ thường là điện bẩn, Truthout cho hay.

Nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy khoảng 1/3 hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu diễn ra ở Tân Cương, Trung Quốc. Bloomberg đưa tin, thợ đào bitcoin bị thu hút đến Tân Cương vì giá điện ở khu tự trị này cực kỳ thấp, khoảng 0,22 nhân dân tệ/kWh so với 0,6 - 0,7 nhân dân tệ/kWh ở miền trung Trung Quốc.

Dù Tân Cương đang phát triển năng lượng tái tạo chạy bằng tuabin gió, phần lớn điện trong khu vực được tạo ra từ than đá. Đó là một phần lý do tại sao khai thác bitcoin ngày càng tác động xấu tới môi trường.

Năm 2018, tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, giáo sư Arvind Narayanan của Đại học Princeton ước tính hoạt động đào bitcoin chiếm gần 1% lượng tiêu thụ điện trên thế giới, tức là nhiều hơn một chút so với mức tiêu thụ điện của bang Ohio hoặc bang New York.

Trong một bài viết trên tạp chí Nature cùng năm, các nhà khoa học cảnh báo đà tăng trưởng của bitcoin có thể khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C trong vòng ba thập kỷ. Các ước tính gần đây cho thấy mức phát thải khí nhà kính từ việc đào bitcoin "nằm giữa mức phát thải của hai quốc gia Jordan và Sri Lanka".

Bloomberg dẫn ước tính của Digiconomist cho biết, một giao dịch bitcoin tạo ra lượng CO2 tương đương 706.765 lần quẹt thẻ Visa Credit, mặc dù hai loại giao dịch đều gần như không có sự xuất hiện của nhựa.

Chỉ số Tiêu thụ Điện của Bitcoin do Trường Kinh doanh Judge (Đại học Cambridge) tổng hợp dự báo, hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu sẽ tiêu thụ hơn 120 TWh điện năng trong năm nay, nhiều hơn mức tiêu thụ năng lượng của Argentina. (1 Terawatt giờ = 1 tỷ Kilowatt giờ, hay 1 tỷ số điện theo cách nói của người Việt Nam). Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng đào bitcoin còn thâm dụng năng lượng hơn đào vàng và bạch kim.

Giá bitcoin càng cao thì động lực thúc đẩy khai thác bitcoin lại càng cao. Đồng tiền ảo lâu đời nhất này đã tăng hơn 37% chỉ riêng trong năm 2021 và tăng hơn hai lần kể từ tháng 12/2020.

Đầu tháng 2, hãng xe điện Tesla thông báo đã mua 1,5 tỷ USD bitcoin và sẽ chấp nhận thanh toán xe bằng bitcoin. Chỉ vài giờ sau thông tin này, bitcoin tăng 13% và đạt mức cao mới là 44.000 USD/BTC.

Việc Tesla mua lượng lớn bitcoin khiến báo chí đặt câu hỏi về cam kết của hãng xe điện với môi trường. Phần lớn doanh thu của Tesla đến từ việc bán tín dụng carbon cho xe điện của hãng. Trên tờ The New Republic, cây bút Jacob Silverman cho biết trong năm 2020, Tesla đã bán được khoảng 1,58 tỷ USD tín dụng carbon, tương đương số tiền mà họ bỏ ra mua bitcoin.

CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk không chỉ ủng hộ bitcoin mà còn quan tâm đến đồng tiền ảo mang hình chú chó Shiba có tên Dogecoin. Dogecoin cũng là một loại tiền ảo cần phải đào mới có thể lưu thông trên thị trường, song nghiên cứu về tác động của Dogecoin và các đồng tiền ảo khác với vấn đề biến đổi khí hậu còn khá ít ỏi.

Tesla cũng không phải ông lớn duy nhất thúc đẩy tiền ảo, mà gần đây còn có thêm một số cái tên khác như Mastercard, BNY Mellon và PayPal.

Nếu toàn bộ bitcoin được đào ở những khu vực có năng lượng tái tạo, sẽ không ai lo ngại về hoạt động khai thác đồng tiền điện tử này. Song, khi mà thế giới vẫn còn chậm chạp trong cuộc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh và 1/3 lượng bitcoin được đào ở Tân Cương, việc khai thác bitcoin sẽ tiếp tục là mối lo ngại cho khí hậu trong tương lai.

Hơn nữa, khi bong bóng đầu cơ xung quanh bitcoin và các đồng tiền điện tử khác phình to, người ta sẽ càng đổ dồn về các khu vực có giá điện rẻ nhất.

Bitcoin là ảo, nhưng ít nhất một hệ lụy của nó là thật - Ảnh 2.

Một quản lý kiểm tra hệ thống khai thác bitcoin tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Khi được CNBC hỏi về việc "một nguồn năng lượng khổng lồ đang được sử dụng để khai thác bitcoin trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp", tỷ phú Bill Gates cho biết: "Tôi không sở hữu bitcoin nên tôi sẽ có một cái nhìn trung lập".

"Bitcoin có thể tăng hoặc giảm dựa theo cảm xúc hoặc bất kỳ quan điểm nào. Tôi không có cách nào để dự đoán sự biến động của bitcoin", nhà sáng lập Microsft tiếp tục. 

Rõ ràng, đây không phải là lần đầu tiên Bill Gates đưa ra bình luận thiếu thiện cảm với bitcoin. Năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn khác cùng CNBC, Bill Gates cho biết ông sẽ phản đối bitcoin nếu có thể. 

Ngày 22/2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói: "Bitcoin là phương thức cực kỳ kém hiệu quả để tiến hành giao dịch và lượng điện năng tiêu thụ để xử lý những giao dịch này là rất khủng khiếp".

Khả Nhân