Khi thị trường điện thoại bão hòa về thiết kế, có lẽ Sony sẽ có cơ hội trở lại thời hoàng kim
Sony từng có quá khứ huy hoàng mà mọi nhà sản xuất smartphone phải ao ước. Trong thời kì hoàng kim, tập đoàn liên tục lọt vào danh sách những hãng smartphone hàng đầu thế giới, với số lượng điện thoại xuất xưởng mỗi năm lên đến hàng trăm triệu.
Từ năm 2016 đến 2018, Sony liên tục chứng kiến sự sụt giảm doanh số, từ 14.6 triệu chiếc trong năm 2016 xuống còn trên dưới 7 triệu chiếc trong năm 2018.
Ánh hào quang lụi tàn
Hiện nay, không ai cảm thấy ngạc nhiên khi biết điện thoại Sony đang thất thế. Dữ liệu từ Gizmochina cho thấy, trong quý 3 năm nay, hãng chỉ bán 600.000 điện thoại -chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng số lượng điện thoại mà Xiaomi bán trong một phút.
Ngay cả số lượng máy mà Realme, một thương hiệu rất mới trong mảng điện thoại, bán ra trong quí 3 cũng gấp 16 lần con số của Sony.
Kiểu dáng vuông vức của điện thoại Sony vẫn là yếu tố hấp dẫn với nhiều người. Ảnh: Hindustan Times
Đương nhiên, mục tiêu ban đầu của Sony cao hơn rất nhiều. Ban lãnh đạo hãng đặt mục tiêu bán 5 triệu điện thoại trong năm tài chính 2019. Song họ giảm mục tiêu xuống 4 triệu máy trong quí 2.
Khi chỉ bán được 1,6 triệu điện thoại trong quí 2, tập đoàn tiếp tục giảm mục tiêu xuống mức 3,5 triệu máy cho cả năm.
Dù vậy, giới quan sát nhận định 3,5 triệu máy vẫn là con số khá viển vông. Muốn cán mốc đó, Sony sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong bối cảnh họ không tung nhiều mẫu điện thoại mới trong năm nay.
Sony còn cơ hội trở lại thời hoàng kim?
Khả năng thành công hay thất bại của Sony trong nỗ lực bám trụ thị trường phụ thuộc rất nhiều vào việc lắng nghe người dùng và nỗ lực sáng tạo nghiêm túc. Dẫu sao Sony vẫn là một thương hiệu đình đám, nên người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua điện thoại của hãng nếu họ thực sự khắc phục những sai lầm.
Trong bối cảnh thị trường smartphone đang dần bão hòa về thiết kế, những đặc trưng của Sony nhiều khả năng sẽ hưởng lợi thế, bởi kiểu dáng vuông của những điện thoại Sony vẫn đang chiếm cảm tình của người dùng. Việc Sony cần thực hiện là tối ưu thiết kế dễ sử dụng hơn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Sony cũng đang nắm lợi thế là công nghệ cảm biến camera. Từ những điện thoại tiên phòng đến điện thoại tầm trung của các hãng phần lớn đều dùng cảm biến đến từ Sony, như Google Pixel 3, Galaxy S9+, Huawei P20 Pro, iPhone.
Nếu tận dụng tốt lợi thế về cảm biến, Sony hoàn toàn có thể cạnh tranh về chất lượng chụp ảnh với các nhà sản xuất khác.Công nghệ âm thanh cũng là một trong những yếu tố có thể hỗ trợ Sony giành lại hào quang. Vì Sony là nhà sản xuất tivi, các thiết bị âm thanh hàng đầu, người dùng hoàn toàn có thể tin tưởng chất lượng âm thanh trên các dòng điện thoại của Sony.
Cuối cùng, mảng game cũng có thể giúp Sony tạo ra lợi thế cho sản phẩm điện thoại của hãng.