Khi tài xế Grab và hành khách phát điên vì khuyến mại
Giới tài xế sốt ruột vì ứng dụng gọi xe Việt bỏ lỡ cơ hội bám sát Grab |
Cập nhật mã giảm giá đang là thói quen của rất nhiều khách hàng của Grab. Một bộ phận khách hàng chỉ gọi xe Grab khi hãng triển khai đợt khuyến mại. Trong các đợt giảm giá, cả đối tác Grab lẫn hành khách đều có thể đối mặt với tình huống trớ trêu.
Tài xế phát cáu vì khách
Vương Thị Quỳnh, một nữ tài xế GrabBike quê ở Lào Cai, từng gặp trường hợp khách không hiểu cách tính khuyến mại.
"Hôm đó hãng khuyến mãi 50%, tối đa 25.000 đồng. Cuốc xe có giá 42.000 đồng, nghĩa là khách hưởng khuyến mãi 21.000 đồng. Nhưng chị khách của tôi cãi rằng chị ấy hưởng 25.000 đồng nên chỉ trả 17.000 đồng. Tôi phải nhờ người qua đường phân xử chị ấy mới chịu", Quỳnh kể.
Nhiều tài xế Grab phải chuẩn bị tâm thế cho những tình huống khó xử mỗi khi Grab khuyến mại. Ảnh: Nhạc Dương |
Lưu Đức Chính, một tài xế Grab Bike ở Hà Nội, cũng gặp tình huống tương tự khi Grab quy định số tiền tối đa mà khách hưởng trong đợt khuyến mại.
"Giá cuốc xe là 74.000 đồng, số tiền tối đa mà khách hưởng là 30.000 đồng. Nhưng ông khách của tôi nhất quyết chỉ trả một nửa giá cuốc xe theo đúng tỷ lệ khuyến mại 50%", Chính nói.
Đoàn Ngọc Lãm, một tài xế GrabBike ở TP Hồ Chí Minh, gặp tình huống dở khóc dở cười theo chiều hướng khác.
"Một lần tôi nhận cuốc xe 11.000 đồng nhưng khuyến mại 10.000 đồng. Tới nơi, tôi nói khách là chỉ còn một ngàn đồng nên họ có thể đưa hoặc không. Kết quả là khách không đưa. Một cuốc khác có giá 16.000 đồng, khuyến mại 50%. Khách đưa cho tôi 10.000 đồng. Tưởng anh chàng mặc vest thơm phức mùi nước hoa sẽ bo luôn phần tiền dư, nhưng anh ấy vẫn chờ tôi trả lại 2.000 đồng", Lãm kể.
Chu Bá Hải, một tài xế Grab ở Hà Nội, trải qua tình huống đặc biệt hơn nhiều so với Lãm.
"Giá cuốc xe 27.000 đồng và khách hưởng khuyến mại 30.000 đồng. Khi hành trình kết thúc, khách đòi tôi đưa 3.000 đồng với lý do tôi phải thay mặt hãng trả hết tiền khuyến mại", Hải nói.
Tuy nhiên, một bộ phận tài xế Grab lại gặp may trong những đợt khuyến mại.
"Vài hôm trước tôi từng thực hiện 3 cuốc xe khuyến mại, nhưng khách trả đúng giá tới 2 chuyến. Quả thực hôm ấy tôi thấy rất vui", Vũ Yên Phong, một tài xế GrabBike ở Hà Nội, kể.
Mai Thế Duyệt, một tài xế Grab ở Hà Nội, từng thực hiện một cuốc xe có giá 44.000 đồng. Nhưng khách đưa anh 50.000 đồng và không yêu cầu trả lại tiền thừa.
"Người phụ nữ ấy nói chị ấy thương tài xế làm việc dưới trời nắng gắt nên tặng tôi số tiền thừa để uống nước. Số tiền nhỏ nhưng tôi rất cảm động", Duyệt kể.
Khi hành khách phát điên vì tài xế
Vì những lý do khó hiểu, nhiều tài xế không thích các đợt khuyến mại của Grab. Thực tế ấy khiến nhiều hành khách đối mặt với tình huống trớ trêu sau khi gọi xe trên ứng dụng.
Với mã giảm giá, đôi khi số tiền khuyến mại lớn hơn hoặc bằng giá cước mà khách phải trả. |
Phùng Hải Yến, một phụ nữ ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội, từng nhập mã khuyến mại khi đặt một cuốc xe trên ứng dụng Grab và một tài xế nhận cuốc. Yến chủ động gọi cho tài xế và anh ta hỏi số tiền khuyến mại mà chị hưởng. Sau khi Yến nói số tiền, tài xế nhanh chóng hủy chuyến rồi nhắn tin cho chị, với nội dung: "Nếu chị muốn tiết kiệm tiền thì nên đi xe buýt. Khách nào cũng như chị thì chúng em chết đói".
Nguyễn Văn Hiệu, một tài xế GrabCar ở TP Hồ Chí Minh, nhận định rằng phần lớn tài xế không thích đón khách dùng mã khuyến mại là những người mới vào nghề.
"Mỗi khi Grab khuyến mại, hãng phải chi tiền để bù đắp cho tài xế, còn thu nhập của đối tác vẫn không thay đổi. Có lẽ những tài xế mới vào nghề chưa hiểu quy tắc ấy", Hiệu bình luận.
Song Trương Tấn Phát, một tài xế GrabBike ở Hà Nội, nhận định những người không thích bắt khách dùng mã khuyến mại thường mua lại tài khoản Grab.
"Những người sở hữu tài khoản chính chủ sẽ không có lý do để từ chối khách dùng mã khuyến mại. Nhờ những cuốc khuyến mại mà 4 tháng qua tôi không phải rút tiền từ tài khoản để nạp vào ví Momo", Phát khẳng định.
Một số tài xế không tôn trọng hành khách dùng mã giảm giá. |
Lâm Văn Mừng, một nhân viên kiểm toán ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, từng đặt một chuyến GrabBike và dùng mã khuyến mại. Nhà anh nằm cuối ngõ 43 Lương Khánh Thiện, nhưng ứng dụng lại hiển thị địa chỉ của anh ở ngõ 31 Lương Khánh Thiện.
"Hôm ấy tôi không biết ứng dụng hiển thị sai địa chỉ. Tài xế đến ngõ 31, không thấy tôi nên đã hủy chuyến sau vài phút. Khi tôi gọi cho tài xế để giải thích, anh ta đáp rằng tôi là loại khách hãm vì dùng mã khuyến mại và bắt anh ta chờ lâu. Nghe vậy tôi rất bực", Mừng kể.
Phan Quang Hội, một giáo viên ở TP Hồ Chí Minh, từng đặt một cuốc xe khuyến mại có giá 23.000 đồng.
"Vì được khuyến mại 20.000 đồng, tôi chỉ phải trả 3.000 đồng. Tôi đưa cho tài xế 5.000 đồng, cậu ta cười nhạt và nói nếu tôi phóng khoáng thì nên đưa 10.000 đồng, chứ chỉ 5.000 đồng thì không nên đưa. Số tiền không lớn, nhưng cách nói của cậu ta khiến tôi cảm thấy ức chế", Hội nói.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/