|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Khẩu trang 'quí hơn vàng', giá tăng theo giờ, nhiều hiệu thuốc quyết định dừng bán

12:03 | 03/08/2020
Chia sẻ
Không thể nhập được khẩu trang với giá gốc, phải thông qua "cò" và chấp nhận giá bị đẩy lên cao, một số hiệu thuốc quyết định dừng bán mặt hàng này.

Khẩu trang y tế được coi là mặt hàng hái ra tiền trong mùa dịch, vậy nhưng lạ một chỗ các hiệu thuốc - nơi thường kinh doanh vật tư y tế, hiện tại lại tỏ ra thờ ơ với việc kinh doanh sản phẩm này.

Trong khi đó, trên các hội nhóm bán hàng online, giá khẩu trang tăng phi mã theo giờ, mặc dù dân buôn khẳng định nguồn hàng không thiếu, và có thể cung cấp hàng trăm thùng khẩu trang một lúc.

Nghịch lí: Khẩu trang không thiếu, nhưng giá vẫn tăng cao

Trong tuần qua, trước diễn biến dịch COVID-19 tái bùng phát tại một số tỉnh thành, các doanh nghiệp như Vinatex, Saigon Co.op, VinMart,… đã khẳng định sẽ cung ứng đủ nguồn khẩu trang, phục vụ nhu cầu chống dịch của người dân.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ Online, đại diện Saigon Co.op khi ấy còn khẳng định với báo giới rằng nguồn cung khẩu trang y tế và nước rửa tay hiện có của doanh nghiệp "dùng trong 5 năm không hết".

Tuy nhiên, theo khảo sát, tại Hà Nội một số cửa hiệu kinh doanh vật tư y tế đã dừng bán mặt hàng thiết yếu này với lí do "không có hàng", "không mua được hàng" hay "giá quá cao không nhập được".

"Tôi chỉ còn vài hộp, khách tới mua lẻ theo chiếc thì bán chứ không dám bán cả hộp. Khẩu trang quí hơn vàng, khó mua hơn cả lên trời", chị Oanh - chủ một hiệu thuốc trên đường Cổ Nhuế, Hà Nội cho hay.

Khẩu trang quí hơn vàng, giá tăng phi mã theo giờ, hiệu thuốc đóng cửa dừng bán - Ảnh 1.

Nhiều hiệu thuốc đã dừng kinh doanh khẩu trang, chỉ bán lẻ theo chiếc cho khách cần. Ảnh: Thiên Trường.

Theo chị Oanh, giá khẩu trang tại nhà máy hiện vẫn rất ổn định, chỉ vào khoảng 40.000 - 50.000 đồng/hộp, thấp hơn cả thời điểm trước dịch. Kho xuất ra cũng nhiều nhưng những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ không thể tiếp cận được với nguồn hàng này.

"Cứ hễ xe vận chuyển đi ra khỏi cổng kho là hàng đã bị cò mua hết. Sau đó, hàng được bán lại cho dân buôn tại chợ thuốc, chúng tôi nếu muốn phải thông qua chợ thuốc mới có thể mua được. Khi ấy, giá khẩu trang đã tăng lên 130.000 - 150.000 đồng/hộp", chị Oanh ngao ngán cho hay.

Tương tự, khi chúng tôi hỏi mua khẩu trang tại một cửa hàng vật tư y tế trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, người bán cho biết trước kia cửa hàng vẫn bán, nhưng từ ngày dịch bệnh bùng phát thì đã dừng hẳn việc kinh doanh mặt hàng này.

"Giá nhập vào quá cao, trong khi bán ra nếu giá cao thì sẽ bị quản lí thị trường phạt, mà nếu bán thấp hơn hoặc ngang bằng thì coi như không có lãi, thậm chí còn phải chịu lỗ. Vì vậy, tốt hơn hết là không bán nữa", nhân viên tại đây chia sẻ.

Theo tìm hiểu, giá khẩu trang y tế chính hãng đang được các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường vẫn đang ở mức bình ổn, dao động trong khoảng 40.000 - 60.000 đồng/hộp, tức rẻ hơn rất nhiều so với giá mà người dân hiện đang phải bỏ ra để mua được.

Trên các hội nhóm bán hàng online, giá khẩu trang vẫn đang tăng lên từng giờ. Hồi đầu tháng 7, khẩu trang y tế bán buôn được rao bán chỉ với giá trên dưới 2 triệu/thùng thì nay đã tăng phi mã lên 8 triệu/thùng, mỗi thùng 50 hộp.

Khẩu trang quí hơn vàng, giá tăng phi mã theo giờ, hiệu thuốc đóng cửa dừng bán - Ảnh 2.

Bảng báo giá khẩu trang tại một chợ thuốc. Ảnh: NVCC.

Điều đó có nghĩa là mỗi hộp khẩu trang giá bán buôn hiện tại đang là 160.000 đồng/hộp và chắc chắn khi đến tay người tiêu dùng, mức giá này không dưới 200.000 đồng/hộp, gấp 5 lần so với giá gốc.

Đáng chú ý, khẩu trang vẫn đang sốt giá từng ngày, mặc cho nguồn cung không thiếu. Trong một nhóm kinh doanh khẩu trang online với gần 100.000 thành viên, mỗi ngày ghi nhận hàng chục tài khoản đăng bán khẩu trang với số lượng hàng trăm thùng mỗi lần.

Các tài khoản này cam kết giao tiền sẽ giao hàng ngay lập tức, người mua không phải chờ đợi và cũng không cần cọc trước.

Tuy nhiên, vẫn có những tài khoản rao bán khẩu trang y tế với giá thấp hơn một nửa, chỉ từ 3,5 - 4 triệu đồng/thùng. Nhưng ngay lập tức những người bán khác đã yêu cầu quản trị viên của nhóm (admin) loại bỏ các thành viên này khi cho rằng họ đang "phá giá thị trường".

"Giá nhập vào cũng đã 7 - 8 triệu rồi mà không hiểu vẫn có người bán dưới 6 triệu", một tài khoản có tên là Nguyễn Hùng Gia Bảo bức xúc. Ngoài ra, người này đặt nghi vấn giá khẩu trang dưới 6 triệu/thùng là hàng giả, hàng nhái.

Người dân không còn "hoảng loạn" đi mua khẩu trang

Tuy khẩu trang y tế vẫn đang sốt giá theo giờ, nhưng theo ghi nhận người dân không còn hoảng loạn đổ xô đi mua như trong đợt dịch trước. Do đó, tại các cửa hàng, hiệu thuốc không còn cảnh từng dòng người xếp hàng chen chúc chờ mua được khẩu trang.

Anh Việt Dũng, ngụ tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay, để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình, anh đã mua vài chục chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, vừa có thể giặt đi tái sử dụng vừa có thể tiết kiệm.

"Tôi có đi tìm mua khẩu trang y tế nhưng nơi thì không bán, nơi thì lại có giá quá cao. Do đó tôi lựa chọn khẩu trang vải, vì nó cũng có tác dụng ngăn chặn tiếp xúc các giọt bắn, tương tự khẩu trang y tế", anh Dũng chia sẻ.

Khẩu trang quí hơn vàng, giá tăng phi mã theo giờ, hiệu thuốc đóng cửa dừng bán - Ảnh 3.

Không còn cảnh người dân đổ xô đi mua khẩu trang như trong đợt dịch COVID-19 trước. Ảnh: Thiên Trường.

Còn theo chị Oanh, số khách hàng tới hỏi mua khẩu trang y tế không còn đông như đợt dịch trước. "Đa phần mọi người đều đã bình tĩnh hơn, có kinh nghiệm hơn và hạn chế đến những nơi đông ngườI, tận dụng khẩu trang vải chứ không nhất thiết phải mua bằng được khẩu trang y tế", chị Oanh nói.

Trước thực trạng giá khẩu trang y tế tăng nóng trên thị trường, Cục quản lí thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết đơn vị đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lí để kịp thời phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán bất hợp lí đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.

QLTT Hà Nội khẳng định sẽ xử lí nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp qui hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.

Về việc cung ứng nguồn hàng khẩu trang, đảm bảo nhu cầu chống dịch của người dân, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thống kê 50 doanh nghiệp dệt may cho thấy năng lực sản xuất của các đơn vị này vào khoảng 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày, tức khoảng 200 triệu chiếc/tháng.

Nếu tính qui mô cả nước thì số lượng cung ứng còn lớn hơn nhiều.

Thiên Trường