|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khẩu hiệu là 'Nước Mỹ trên hết', thực tế là nước Mỹ dưới cùng

19:36 | 09/07/2020
Chia sẻ
Châu Âu không ngần ngại ra lệnh cấm du khách Mỹ nhập cảnh trong khi mở cửa cho các nước khác. Đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ cũng không khiến Bắc Kinh chùn bước trong việc áp dụng đạo luật an ninh quốc gia Hong Kong. Vị thế trên trường quốc tế của nước Mỹ đang bị tổn hại nặng nề.
Khẩu hiệu là 'Nước Mỹ trên hết', thực tế là nước Mỹ dưới cùng - Ảnh 2.

Ông Trump đã đánh dấu những ngày đầu tiên trong nhiệm kì tổng thống của mình bằng lệnh cấm người dân 7 nước Hồi giáo đến Mỹ. Giờ đây, khi chỉ còn 4 tháng nữa nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử mới, tình thế đã đảo ngược: người Mỹ bị hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm cửa.

Những người chỉ trích tầm nhìn "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đưa ra lời mỉa mai cay đắng: Lệnh cấm nhập cảnh của hầu hết quốc gia đối với người Mỹ do lo ngại COVID-19 là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy nước Mỹ đã đánh mất vị thế.

Bà Ellie Geranmayeh, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nói: "Trung Quốc hiện nằm trong số những quốc gia được Liên minh châu Âu (EU) mở cửa – Mỹ thì không. Việc các nước mở cửa chào đón Trung Quốc nhưng xa lánh Mỹ mang tính biểu tượng rất lớn".

Khẩu hiệu là 'Nước Mỹ trên hết', thực tế là nước Mỹ dưới cùng - Ảnh 3.

Theo Bloomberg, nhiều chuyên gia lo ngại vị thế của nước Mỹ sẽ bị tổn hại lâu dài bởi thất bại trong việc kiểm soát COVID-19. Trong bối cảnh doanh nghiệp Mỹ chao đảo vì đại dịch, nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ khiến quá trình phục hồi của toàn thế giới chậm lại, thay vì là động lực chính thúc đẩy toàn cầu như những cuộc khủng hoảng trong quá khứ.

Trong khi giới chuyên gia dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy giảm gần 6% trong năm nay, Trung Quốc được kì vọng sẽ tạo ra mức tăng trưởng dương 2%.

Điều này sẽ có tác động xấu tới nguồn lực chính cho tầm ảnh hưởng của nước Mỹ và trọng tâm chính sách đối ngoại của ông Trump: sử dụng sức mạnh kinh tế làm vũ khí.

"Nếu kinh tế tăng trưởng, nước Mỹ sẽ có thêm tài nguyên để phân phối. Chúng giống như phỉnh trong sòng bài và có thể được phát để gia tăng sức mạnh địa chính trị. Khi nền kinh tế sụt giảm, Mỹ không còn nhiều tiền để vung ra", ông Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg giải thích.

Dù ông Trump vẫn lớn tiếng ca ngợi thành tích kinh tế, bao gồm đỉnh lịch sử mới của chỉ số Nasdaq, dữ liệu mới nhất cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện là 11,1%; cao hơn nhiều con số 3,5% trước khi đại dịch bùng phát. 19,3 triệu người Mỹ vẫn phải sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp.

Thay vì nỗ lực cải thiện chính sách đối ngoại, ông Trump lại tiếp tục đe dọa áp đặt thuế quan lên EU và trừng phạt Đức vì dự án ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Về phần mình, các đồng minh này đang tìm kiếm biện pháp mới để bảo vệ bản thân trước kinh tế Mỹ, thay vì tìm cách để đôi bên cùng hưởng lợi.

Sau hơn ba năm, chính sách ngoại giao kinh tế cưỡng ép của Mỹ vẫn không tạo ra được tác động đáng kể. Áp đặt lệnh cấm vận lên Iran, Venezuela, Nga và Triều Tiên gần như không khiến các nước này thay đổi hành vi. Các ngón đòn ăn miếng trả miếng với Trung Quốc khiến quan hệ hai nước xấu đi chứ không khiến Bắc Kinh ôn hòa hơn.

Kế hoạch gặp mặt ba bên giữa Mỹ và các đối tác thương mại Bắc Mỹ trong tuần này đã sụp đổ sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo sẽ không tham dự. Sự từ chối của ông Trudeau khiến chính quyền ông Trump mất mặt.

Ông Trump hứa đặt "Nước Mỹ lên trên hết" nhưng thực tế lại trái ngược với mong muốn - Ảnh 2.

Sự thật rằng Mỹ đã đánh mất tầm ảnh hưởng đang được bộc lộ qua những cách không thể đoán trước. Cuộc chiến lâu dài với Trung Quốc và vài quốc gia khác khiến Mỹ không thể đưa các nhà ngoại giao của mình tới những nước này, bị cản trở bởi yêu cầu xét nghiệm công dân Mỹ nếu họ dương tính với COVID-19.

Thay vì chấp nhận thực tế rằng hầu hết các nước đều thấy lo ngại về dịch COVID-19 tại Mỹ, Thư kí Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany vẫn khẳng định: "Tôi nghĩ thế giới đang coi Mỹ là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19".

Rất nhanh sau đó, ông Trump tweet rằng "Tỉ lệ tử vong vì Virus Trung Quốc của Mỹ là THẤP NHẤT THẾ GIỚI. Ngoài ra, số ca tử vong đang giảm xuống nhanh chóng, thấp hơn 10 lần so với đỉnh của đại dịch (Và nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi mạnh mẽ!".

Khẩu hiệu là 'Nước Mỹ trên hết', thực tế là nước Mỹ dưới cùng - Ảnh 5.

Bên ngoài Nhà Trắng, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc đưa ra các sáng kiến chính sách đối ngoại lớn. Bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc vẫn áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong.

Ông Andrew Weiss, Phó chủ tịch tại Quĩ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận xét: "Ông Trump cứ thỏa sức nói và hành động tùy ý còn cấp dưới thì mỗi người lại theo đuổi những sáng kiến không ăn khớp với nhau, chứ đừng nói đến việc cùng hợp sức cho một chính sách chung. Tệ hơn, phần lớn bộ máy chính sách và phân tích đã ngừng hoạt động trong đại dịch".

Một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho thấy phần lớn người châu Âu không còn coi Mỹ là một đồng minh đáng tin cậy. Chỉ 2% người tham gia khảo sát cho biết họ thấy việc hợp tác với Mỹ là "có ích" trong cuộc chiến chống COVID-19.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã đặt đại dịch COVID-19 làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử.

Ông Biden tuyên bố: "Vì Trump không thể đáp ứng những nhiệm vụ cơ bản nhất trong công việc của mình, nước Mỹ hiện đang bị coi là có khả năng gây ra rủi ro y tế toàn cầu. Một tổng thống bắt đầu nhiệm kì của mình bằng lệnh cấm nhập cảnh thù địch phải chịu trách nhiệm vì đã để người dân Mỹ bị cấm di chuyển sang nước khác".

Những tiết lộ gần đây của các đồng minh cũ chỉ làm trầm trọng thêm cái nhìn bi quan và tiêu cực về chính sách đối ngoại của ông Trump.

Trong cuốn sách mới, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton miêu tả ông Trump thường xuyên thay đổi lập trường, không thèm nghe lời khuyên của chuyên gia, suýt chút nữa thì rút Mỹ khỏi khối NATO, thậm chí nhờ vả Chủ tịch Tập Cận Bình giúp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Ông Bolton viết: 

Khẩu hiệu là 'Nước Mỹ trên hết', thực tế là nước Mỹ dưới cùng - Ảnh 6.

Ông miêu tả quá trình ra quyết định của ông Trump là "đầy nguy hiểm, có nguy cơ ông ta sẽ hoàn toàn xé toạc các chính sách của chính bản thân". Thay vì trừng phạt các hành vi gây hại tới người dân trong nước, Mỹ có vẻ đang truyền đi thông điệp ngược lại.

Lời mời Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 của ông Trump bị các đồng minh trong và ngoài nước chỉ trích kịch liệt, đặc biệt là sau khi thông tin tình báo nói rằng Nga treo thưởng để phiến quân Taliban giết lính Mỹ.

Việc ông Trump đe dọa dùng vũ lực quân đội để trấn áp người biểu tình sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd bị nhiều tướng lĩnh phản đối, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, người vốn là trợ thủ trung thành của ông.

Giang

Giảm VAT 2% lần thứ 5: Nên giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ để mang lại hiệu quả cao nhất
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, để đạt hiểu quả cao nhất, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.