Tô vẽ hình ảnh nước Mỹ khác xa thực tế, chiến dịch tranh cử của ông Trump rơi vào ngõ cụt
Hình ảnh nước Mỹ mà ông Trump cố vẽ lên là nơi mà số ca nhiễm COVID-19 tăng chỉ vì các cuộc xét nghiệm được tiến hành nhiều hơn, nền kinh tế sắp hồi phục ngoạn mục và kết quả khảo sát cho thấy ông đang bị đối thủ bỏ xa trong cuộc tranh cử tổng thống chỉ là viễn tưởng.
Theo cách mô tả của ông Trump, hàng trăm nghìn người Mỹ biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát đều là những kẻ hôi của và khủng bố, những lo ngại về phân biệt chủng tộc có hệ thống thì bị thổi phồng.
Tuy nhiên, thực tế khác xa so với những gì ông Trump nói. COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ, một phần do các kế hoạch mở cửa vội vã. Nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không hồi phục trước năm 2021, thậm chí là muộn hơn.
Theo Bloomberg, phần lớn các cuộc biểu tình đã diễn ra một cách ôn hòa. Nhiều chính trị gia cấp cao thừa nhận nạn phân biệt chủng tộc tồn tại trong các sở cảnh sát và xã hội Mỹ.
Và điều quan trọng nhất đối với tương lai chính trị của ông Trump là các cuộc khảo sát cho thấy ông đang thất thế trước cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Các ứng viên tổng thống thường mô tả viễn cảnh tươi đẹp về đất nước. Ông Trump tự gọi mình là "người cổ vũ", nhưng những mô tả của ông về nước Mỹ ngày nay lại trái ngược với thực tế đến mức một số đồng minh cũng phải kêu gọi ông thay đổi chiến lược.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham thừa nhận rằng sự ủng hộ của công chúng Mỹ dành cho ông Trump đã suy giảm. Ông Lindsey cho rằng ông Trump cần tập trung hơn vào chính sách thay vì bản thân.
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley cảnh báo rằng ông Trump có thể bị cử tri quay lưng. Ông Grassley đăng trên Twitter rằng ông Biden có thể "ngồi trong tầng hầm của ông ta, không mở cuộc vận động tranh cử mà vẫn được bầu làm tổng thống".
Có rất ít dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ thay đổi chiến lược tranh cử hiện tại. Hôm 26/6, ông Trump lớn tiếng ca ngợi thành tích của thị trường chứng khoán, bất chấp hàng chục triệu người Mỹ không có việc làm và các chỉ số chứng khoán chính vẫn thấp hơn nhiều mức đỉnh trong tháng 2.
Ngày 27/6, ông Trump khẳng định trên Twitter rằng ông sẽ tái đắc cử. Ông Trump khoe khoang về tỉ lệ người xem truyền hình cao đối với các cuộc vận động tranh cử gần đây của mình và nói: "đây mới là khảo sát thực sự, Đám đông Thầm lặng, chứ không phải KHẢO SÁT GIẢ!".
Ông Trump và COVID-19
Đại dịch COVID-19 là vấn đề bị ông Trump "tẩy trắng" nhiều nhất. Mỹ liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm mới cao kỉ lục trong những ngày qua. Theo nguồn tin của CNN, tính đến 27/6 có ít nhất 12 bang của Mỹ đã phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại. Trong khi đó, ông Trump lại thúc giục người Mỹ mặc kệ dịch bệnh và quay lại cuộc sống bình thường.
Ông Trump đã nhiều lần giải thích một cách sai lầm rằng số ca nhiễm của Mỹ đang tăng vì năng lực xét nghiệm được cải thiện. Ông cũng nghi ngờ một số trường hợp được báo cáo là không đúng sự thật.
"Khi thấy một đứa trẻ bị hắt hơi, người ta sẽ nói nó bị nhiễm COVID-19", ông Trump nói hôm 25/6.
Hôm 26/6 là lần đầu tiên sau hai tháng lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Mỹ tổ chức cuộc họp báo. Nhưng thay vì tham gia họp báo, ông Trump lại đăng trên Twitter hình truy nã 15 người bị cáo buộc là đã phá hoại bức tượng cựu tổng thống Mỹ Andrew Jackson.
Tranh cử theo lối mòn
Nhóm vận động tranh cử của ông Trump nói rằng ông Trump vẫn có thể giành chiến thắng khi hình ảnh ông Biden bị mô tả theo hướng tiêu cực.
Giám đốc truyền thông Tim Murtaugh tuyên bố: "Người Mỹ biết rằng Tổng thống Trump đang chèo lái đất nước thoát khỏi khủng hoảng COVID-19 còn Joe Biden thì đang sử dụng đại dịch này làm vũ khí chính trị".
Ông Mick Mulvaney, cựu Chánh Văn phòng Nhà Trắng nói rằng việc khắc họa hình ảnh trái ngược giữa ông Trump và ông Biden là yếu tố rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
"Tuy nhiên, nhóm tranh cử ông Trump lại không giỏi vẽ ra những khác biệt giữa hai người", ông Mulvaney nói trong cuộc phỏng vấn Fox News hôm 25/6.
Ông Kevin McCarthy, Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện thừa nhận ông Trump và Đảng Cộng hòa đang đi theo lối mòn.
Thiếu phương hướng
Bất chấp khuyến cáo của chuyên gia y tế, ông Trump vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc vận động tranh cử lớn, tập trung đông đảo người ủng hộ. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Trump có vẻ lo ngại về COVID-19 nhiều hơn ông tưởng.
Sự kiện tranh cử tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma khiến ông Trump bẽ mặt khi chỉ có 6.000 người xuất hiện trong khán phòng có sức chứa 19.000 người. Ông Trump cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc về COVID-19. Tại Tulsa và tại Phoenix (Arizona), đám đông hò reo khi ông Trump gọi COVID-19 là "Kung Flu".
(Kung Flu nghe gần giống từ chỉ võ thuật Trung Quốc là kung fu. "Flu" trong tiếng Anh là "cúm", ông Trump muốn nhấn mạnh COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc).
Ông Trump cũng đang cố tìm "kẻ thế mạng" khi bị chỉ trích về bất ổn xã hội sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. Ông Trump từng tuyên bố "Antifa" - tổ chức mang khuynh hướng chính trị thiên tả - là khủng bố sau khi cáo buộc các nhóm cực tả chịu trách nhiệm cho các cuộc biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ.
Ông Trump tỏ ra bực bội vì khó có thể nắm bắt và mô tả rõ ràng về đối thủ Biden. Lần cuối cùng ông Biden tổ chức họp báo là ngày 2/4. Khi đó ông Biden cũng chỉ trả lời một vài câu hỏi từ phóng viên qua Zoom.
Ông Biden đáp lại hai câu hỏi từ phóng viên trong ngày Lễ Tưởng niệm Chiến Sĩ Mỹ hôm 25/5, nhưng ngoài ra không trả lời câu hỏi của giới truyền thông trong các sự kiện.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News hôm 25/6, ông Trump không đưa ra được mục tiêu rõ ràng cho nhiệm kì thứ hai. Câu trả lời ông đưa ra khá dài dòng và không có trọng tâm. Sau đó, ông Trump lại chuyển sang chủ đề hoàn toàn không liên quan là ông ít khi đến Washington trước khi thành tổng thống Mỹ rồi gọi cựu cố vấn John Bolton là "thằng ngu".
Ông Geraldo Rivera, cây bút của Fox News nhận xét sau cuộc phỏng vấn ngày 25/6 "có vẻ ông Trump bị ám ảnh bởi COVID-19. Tôi nghĩ số phận của ông Trump sẽ được định đoạt bởi việc người Mỹ sống thế nào trong đại dịch này".