|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khảo sát của Infocus Mekong Research: Sự lạc quan của CEO các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do tác động của virus corona

12:30 | 28/02/2020
Chia sẻ
Đa phần các ông chủ doanh nghiệp tỏ ra bi quan trong cuộc khảo sát của Infocus Mekong Research đánh giá tác động của dịch bệnh do virus corona (covid-19) năm 2020; chỉ trước đó vài tháng, khảo sát niềm tin của người tiêu dùng cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Khảo sát của Infocus Mekong Research: Sự lạc quan của CEO các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do tác động của virus corona - Ảnh 1.

Ralf Matthaes - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research

Sự bi quan thậm chí còn lớn hơn giai đoạn khủng hoảng 2010 - 2011

Theo khảo sát của Infocus Mekong Research với 242 giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp... cho thấy sự sụt giảm mạnh về niềm tin kinh doanh trong năm 2020 so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona (covid-19) gây ra vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Tôi đã sống ở Việt Nam hơn 26 năm, và chưa bao giờ thấy niềm tin của các doanh nghiệp sụt giảm như vậy, thậm chí còn lớn hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2010 - 2011", Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research cho biết. 

Triển vọng kinh doanh của Việt Nam năm 2020 vơi đi một nửa vì virus corona - Ảnh 1.

(Nguồn: IFM Research)

Năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam trên 7%, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đạt mức kỉ lục, trong khi đó lạm phát được kiểm soát. 

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại thời điểm tháng 12/2019 ở mức rất cao, với 70% tin rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn vào năm 2020, điều này dẫn đến giả định những chủ doanh nghiệp cũng lạc quan tương tự. 

Tuy nhiên trong đợt khảo sát lần này, có tới 84% cho rằng covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

"Mặc dù mọi thứ mới chỉ bắt đầu, tuy nhiên từ góc độ vĩ mô, thời lượng kéo dài của dịch bệnh sẽ quyết định xem chúng ta chỉ đang trải qua một vài trục trặc hay bước vào cuộc suy thoái kéo dài. Covid-19 là loại virus mới, nên rất khó để dự đoán mức độ nghiêm trọng, nhưng dựa trên lịch sử của dịch SARS và những diễn biến lây nhiễm, chúng tôi kì vọng hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2020", ông Chris Hunt, Giám đốc điều hành của Công ty Chứng khoán HSC cho biết.  

Khi được hỏi về những mối quan tâm lo ngại nhất trong năm 2020, các nhà quản cấp cao cho rằng đó là sự tác động của virus corona đến hoạt động doanh nghiệp, cũng như sự chững lại của kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong khi đó, chỉ một năm trước đây thôi, yếu tố ô nhiễm môi trường được đặt lên hàng đầu.

Triển vọng kinh doanh của Việt Nam năm 2020 vơi đi một nửa vì virus corona - Ảnh 2.

(Ảnh: IFM Research)

Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nhất

Cần lưu ý rằng mức độ ảnh hưởng của covid-19 giữa các ngành, lĩnh vực là khác nhau. Những dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng các lĩnh vực như khách sạn, bán lẻ, F&B, sản xuất và logistics sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Stephen Wyatt, người đứng đầu JLL Việt Nam cho biết, khối lượng giao dịch của một vài khách hàng của công ty dịch vụ bất động sản này giảm từ 20 - 50%, tùy khu vực. Stephen cho rằng vẫn phải chờ để đánh giá về mức độ nghiêm trọng về tác động của covid-19, nhưng đối với các công ty bất động sản sử dụng đòn bẩy cao sẽ phải kiếm ngồi vốn bổ sung hoặc xem xét phương án bán tài sản. Lịch sử cho thấy, sau những sự kiện tương tự, niềm tin kinh doanh phục hồi nhanh chóng dẫn đến tác động tích cực lên thị trường. 

"Các doanh nghiệp phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc rõ ràng sẽ bị tác động lớn nhất", ông Frederick Burke, đối tác điều hành của Baker Mckenzie nhận định. 

Khảo sát của Infocus Mekong Research: Sự lạc quan của CEO các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do tác động của virus corona - Ảnh 4.

Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc sẽ chịu tác động nặng nề nhất

Ông cho rằng chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam là duy trì sự ổn định, hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Và chính điểu này sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, năm 2020 vẫn sẽ là một năm đầy thử thách đối với nhiều doanh nghiệp non trẻ, không đủ mạnh để chống lại những cú sốc về chuỗi cung ứng và nguồn tín dụng. 

Ngành du lịch là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi điều này nhưng ngay cả sản xuất để xuất khẩu cũng sẽ chịu thiệt hại khi nguồn linh kiện từ Trung Quốc bị hạn chế. Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đã trở thành một trong những vấn đề thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian qua.

Khi nhìn vào tác động của của covid-19 đến tiêu dùng nội địa, việc các trường học đóng cửa đến đầu tháng 3 có tác động lớn đến năng suất làm việc và là gánh nặng cho các bậc phụ huynh. Khi được hỏi về tác động của virus corona đến doanh thu nội địa, các bình chọn cho ra mức độ ảnh hưởng trung bình khoảng -13,5%. 

Nhưng vẫn sẽ có những ngành hưởng lợi, dù khó khăn nhưng vẫn sẽ phải tiếp tục

Khảo sát của Infocus Mekong Research: Sự lạc quan của CEO các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do tác động của virus corona - Ảnh 5.

Mua sắm trực tuyến là một trong những lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ dịch bệnh do virus corona

Dù vậy, không thể phủ nhận vẫn có một số ngành nghề hưởng lợi trong năm 2020 do sự xuất hiện virus corona bao gồm mua sắm và giao hàng trực tuyến, ngành công nghiệp ôtô, thực phẩm đóng hộp và sản phẩm gia dụng... vì người tiêu dùng hạn chế ra ngoài.

Mặc dù mua sắm trực tuyến hiện chỉ chiếm 5% tổng giá trị bán lẻ trong 2019, đến nay 76% người tiêu dùng đều đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong vòng ba tháng qua và tỉ lệ tăng trưởng lên đến 20%. Hành vi mua sắm bị ảnh hưởng bởi corona, nhiều người tiêu dùng muốn tránh chỗ đông người, do đó các dịch vụ trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển và có thêm nhiều khách hàng mới. 

Với thị trường chứng khoán, virus corona đem lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Tài chính cấp cao của VinaCapital cho hay, "các nhà đầu tư đang tìm kiếm lí do để liều lĩnh hơn. Dù còn khá thận trọng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa chịu sự sụt giảm nghiêm trọng. 

Khi nền kinh tế lớn như Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh, nhiều khả năng thị trường vốn trên toàn thế giới bao gồm Việt Nam sẽ hồi phục và có thể sẽ vượt ngưỡng cuối năm 2019", ông dự báo.

“Lợi nhuận ngắn hạn của Việt Nam trong năm 2020 chắc chắn sẽ giảm, nhất là ở các ngành kinh tế phụ thuộc vào người tiêu dùng. Tuy nhiên, vốn là dân tộc lạc quan, tháo vát và kiên cường, điều này sẽ chỉ là một trở ngại nhỏ trong quĩ đạo phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung. Corona sẽ không ngăn cản sự phát triển không ngừng của Việt Nam trên đà gia nhập những cường quốc ở châu Á”, ông Matthaes nhận định.

“Cuộc sống đang tiếp tục, phải tiếp tục và sẽ tiếp tục. Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và vẫn là một điểm đến kinh doanh tuyệt vời", ông Bảo Nguyễn, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Canada tại Việt Nam kết luận.

Thanh Tùng - Bạch Mộc