|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khẳng định không thiếu tiền, nhưng vì sao tỷ lệ giải ngân vốn sau Shark Tank lại thấp?

15:53 | 25/09/2023
Chia sẻ
Thống kê từ Shark Tank Việt Nam cho biết, tính đến nay, trong số 243 startup đến gọi vốn, có 143 startup nhận được cái bắt tay với "cá mập" trên sóng truyền hình, 30 startup vượt qua vòng thẩm định và được rót vốn từ các Shark trong chương trình.

Ngày 25/9, Shark Tank Việt Nam mùa 6 sẽ bắt đầu lên sóng tập đầu tiên và như chia sẻ từ phía ban tổ chức, đơn vị này đã phải nỗ lực rất lớn để đưa Shark Tank Việt Nam trở lại sóng truyền hình, giữa bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Thông cáo từ ban tổ chức Shark Tank Việt Nam nhắc nhiều tới từ "suy thoái" cùng sự sụt giảm về tổng giá trị vốn rót cho khởi nghiệp tại Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2023.

Trước đó, Shark Tank Việt Nam mùa 5 ghi nhận 4 dự án khởi nghiệp đã thẩm định doanh nghiệp (Due Diligence) thành công và nhận được vốn rót từ các nhà đầu tư bao gồm: Anh ngữ Á Châu (Shark Lê Hùng Anh), nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn (Shark Nguyễn Hòa Bình), Jungle Boss (Shark Phạm Thanh Hưng), Seesaw (Shark Erik Jonsson).

Con số này là quá ít so với 31 startup giành được cam kết đầu tư từ các cá mập trên sóng truyền hình cùng tổng số tiền đầu tư ước tính lên tới con số 318,5 tỷ đồng, trong đó thương vụ triệu đô duy nhất được rót thực vốn là Anh ngữ Á Châu, chiếm 1/5 tổng số deal triệu đô của mùa 5.

Shark Tank Việt Nam mùa 5 ghi nhận 4 dự án khởi nghiệp đã thẩm định doanh nghiệp (Due Diligence) thành công và nhận được vốn rót từ các nhà đầu tư. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Thống kê từ ban tổ chức cho biết, tính đến nay, trong số 243 startup đến Shark Tank gọi vốn, có 143 startup nhận được cái bắt tay với "cá mập" trên sóng truyền hình, 30 startup vượt qua vòng thẩm định và được rót vốn từ các Shark trong chương trình. 

Về tỷ lệ khoảng 20-25% cam kết trên sóng truyền hình là được đầu tư thực tế, Shark Phạm Thanh Hưng cho rằng các chương trình Shark Tank trên toàn thế giới cũng có tỷ lệ tương tự như vậy.

“Nếu tính số lượng startup đi đến được giai đoạn ký kết hợp đồng và được giải ngân thì tỷ lệ rơi vào khoảng 30% và xét số vốn được giải ngân thì tỷ lệ còn thấp hơn nữa, bởi nhiều startup dù được ký hợp đồng nhưng chỉ được giải ngân một phần”, Shark Hưng nói. 

Ông Hưng giải thích rằng các startup thường không chứng minh được những cam kết hoặc số liệu đáng tin cậy như trên truyền hình. Ngoài ra, có hiện tượng startup từ chối đầu tư của "cá mập".

"Chúng tôi cam kết đầu tư dựa vào những gì các bạn trình bày, nhưng khi đi sâu nghiên cứu, thẩm định thì mọi thứ không như vậy hoặc không đúng bản chất, sai lệch thông tin nên cuối cùng hai bên không đạt được thỏa thuận. Ngoài ra, có những startup từ chối nhận đầu tư, có trường hợp một số Shark đã phải lên tiếng về việc này”, vị Phó Chủ tịch Cen Land chia sẻ.

Giải bài toán nguồn vốn

Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam từng nổi lên và thu hút tổng vốn đầu tư nhiều thứ ba tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi trong vài năm gần đây, đặt ra những thách thức cho các startup công nghệ trong nước.

Báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn Technologies cho biết tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD. Đánh dấu mùa đông gọi vốn lạnh giá đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt.

Nếu so với nửa cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực startup công nghệ tại Việt Nam nửa đầu năm 2023 cũng giảm 41%, từ 113 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.

Hồi tháng 5, ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital nhận định giá trị của các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có thể giảm 50% so với mức đỉnh ở năm 2021 khi những người sáng lập điều chỉnh chiến lược, tập trung kiếm lợi nhuận, trong khi các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn.

Ông nói: “Với việc các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn ít hơn, những người sáng lập giờ đây tỏ ra thực tế hơn với kỳ vọng về định giá startup của họ. Có rất ít founder chấp nhận rằng startup của họ bị định giá thấp ở lúc này, nhưng khoảng 6 tháng đến 12 tháng nữa, họ sẽ chấp nhận”.

Các nhà đầu tư tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 lại tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng thị trường chưa bao giờ thiếu vốn. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 lại tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng thị trường chưa bao giờ thiếu vốn. Shark Lê Hùng Anh nói: "Theo quan điểm của tôi, thị trường chưa bao giờ thiếu vốn, chỉ thiếu cái gì đó mang tính khả thi. Nhà đầu tư sợ rót tiền không đúng nơi và mất tiền của họ."

Thực tế, trong mùa 5, ông Hùng Anh là người giành được nhiều deal nhất với tổng cộng 10 deal và Hệ thống Anh ngữ Á Châu là thương vụ có giá trị đầu tư lớn nhất được rót vốn với 1 triệu USD. Ông Hùng Anh cũng đã chi 350 triệu đồng cho 3 tấm vé vàng trong mùa 5, để giành quyền thương lượng trực tiếp với startup.

"Nếu chúng ta theo dõi miếng bánh GDP toàn cầu thì sẽ thấy hầu như năm nào cũng tăng lên hết, không có nền kinh tế nào bị thu hẹp cả. Như vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng tiền đã đi đâu? Tiền thì không thiếu, nó chỉ chuyển từ kênh đầu tư này sang kênh khác", Shark Lê Hàn Tuệ Lâm nói thêm.

Trong khi đó, Shark Phạm Thanh Hưng cho rằng các doanh nghiệp của nhà đầu tư cũng đang gặp khó và điều này ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư ra ngoài. Theo ông Hưng, khó khăn trong hoạt động kinh doanh ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư và đối với startup - vốn mang tính rủi ro cao.

Ở thời kỳ trước, vị "cá mập" có thể thoải mái với các khoản đầu tư, chấp nhận rủi ro thì hiện tại, khi nguồn vốn bị co hẹp, dòng tiền đầu tư sẽ hạn chế và mọi quyết định đầu tư cũng sẽ được cân nhắc chặt chẽ. "Ở góc độ cá nhân, tôi phải thẳng thắn rằng tôi cần lo cho doanh nghiệp của mình trước khi xem xét đầu tư", ông Hưng thừa nhận khó khăn.

Đến với Shark Tank mùa 6, Shark Hưng đại diện cho quỹ đầu tư Colombo Capital và theo như ông chia sẻ, hội đồng đầu tư của quỹ đang làm việc để huy động vốn mạnh mẽ, đi kèm với việc tìm kiếm các dự án khởi nghiệp thật tốt, tránh việc "chết yểu" khi quỹ rót tiền.

Shark Bùi Quang Minh nhìn thẳng vào vấn đề khi nhắc lại câu chuyện khủng hoàng niềm tin với startup trong thời kỳ tiền rẻ. Sau giai đoạn tiền đầu tư được giải ngân quá dễ dàng cho các mô hình chưa thực sự rõ ràng, ông Minh tin rằng thị trường đang có sự điều chỉnh cần thiết để nhà đầu tư kìm lại và chọn lựa đúng nơi để gửi tiền, mang lại giá trị thực sự cho xã hội.

"Đôi khi, sự điều chỉnh có phần hơi quá tay và mùa đông có thể căng thẳng hơn, chúng ta cần thời gian để trở lại đúng quỹ đạo vốn có của nó", Shark Minh nói.

Thùy Trang