|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khách hàng tiềm năng ngành bán lẻ tăng gấp đôi vào giữa giai đoạn 2014 – 2020

07:26 | 06/10/2016
Chia sẻ
Tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng gấp đôi vào giữa giai đoạn 2014 - 2020, nhanh nhất trong khu vực. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ.

Nguồn khách hàng tiềm năng tăng gấp đôi

Giám đốc Bộ phận cho thuê tại Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, bà Trang Bùi cho biết Việt nam có dân số hơn 90 triệu người và 70% trong số đó có tuổi từ 15 – 64. Bên cạnh đó, dân số đô thị Việt Nam được dự kiến sẽ tăng 2,6% hàng năm (từ 2015 đến 2020), đây là mức tăng cao nhất khi so với các đô thị khác trong khu vực. Yếu tố nhân khẩu học trẻ chính là một trong những nguyên nhân tạo ra tiềm năng tăng trưởng cao cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bà Trang Bùi đánh giá, thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng tăng đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á.

khach hang tiem nang nganh ban le tang gap doi vao giua giai doan 2014 2020
Tiềm năng của ngành bán lẻ Việt Nam được tạo thành phần lớn do đặc điểm dân số và thói quen tiêu dùng của người Việt. (Nguồn: Kinhdoanhnet.vn)

Theo Boston Consulting Group, công ty tư vấn chiến lược của Mỹ, tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, con số này sẽ tăng gấp đôi vào giữa giai đoạn 2014 và 2020, từ 12 - 33 triệu người. Những người tiêu dùng có thu nhập trên 15 triệu VNĐ/tháng (khoảng 714 USD) chính là tập khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ.

Đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Báo cáo Nielsen cho biết, 9/10 người tiêu dùng tại Việt Nam (91%) sở hữu điện thoại thông minh, trong khi năm 2014 tỉ lệ này là 82%. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo ra xu hướng chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng.

Giám đốc Bộ phận cho thuê tại JLL Việt Nam cũng nhận định: “Số lượng người sở hữu thẻ tín dụng gia tăng cũng là yếu tố làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi mà họ sẵn sáng xuống tiền mua nhiều hàng hóa hơn khi có thẻ trong tay và ít dè dặt hơn trước đây”.

Bên cạnh đó, lượng du khách quốc tế ngày càng tăng và yếu tố cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện cũng làm cho Việt Nam trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với nhiều nhà bán lẻ cả trong và ngoài nước.

Hàng loạt “ông lớn” nước ngoài vào Việt Nam

Với tiềm năng của mình, Việt Nam hiện là thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Sự xuất hiện của hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang được ví như một làn sóng quét vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Từ đầu năm 2014, đã có ít nhất 3 tập đoàn bán lẻ ngoại đổ bộ gồm Aeon (Nhật Bản), Lote Mart (Hàn Quốc) và Berli Jucker (BJC) của Thái Lan.

Xu hướng vẫn tiếp tục vào năm 2015, như tập đoàn Central Group Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới, đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim. Đến tháng 4/2015, Central Group tiếp tục mua lại Big C từ tay người Pháp với mức giá lên đến hơn 1 tỉ USD.

Tháng 10/2015, thêm một nhà bán lẻ Hàn Quốc bước chân vào thị trường Việt Nam khi Emart ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại TP HCM.

Ngoài ra, Simply Mart còn ra mắt thêm 3 cửa hàng tại Sài Gòn; AuchanSuper của Pháp cũng có kế hoạch mở thêm 17 siêu thị tại TP HCM tính đến cuối năm 2017 và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở phía Bắc. Đó là còn chưa kể hàng loạt các thương hiệu thời trang lớn của nước ngoài như Gap, Mango, Topshop…

Nhiều chuyên gia cùng nhận định, xu hướng vốn đầu tư ngoại đổ vào Việt Nam còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, sẽ tiếp tục khuấy động thị trường bán lẻ trong nước.

Linh Lê