|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TPHCM: Vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp vượt xa trực tiếp

21:56 | 26/06/2017
Chia sẻ
Các công ty nước ngoài trong nửa đầu năm nay đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM vượt xa số vốn cam kết của khối doanh nghiệp này cho các dự án đầu tư trực tiếp vào thành phố.
tphcm von dau tu nuoc ngoai gian tiep vuot xa truc tiep
Trong ảnh là nghi thức đổi tên của doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam Cầu Tre thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre tại TPHCM sau khi Tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc) nâng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần nắm giữ tại Cầu Tre từ mức 51,6% của cuối năm 2016 lên 71,6% vào tháng 5-2017 - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Cụ thể theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã cấp phép 340 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt gần 375 triệu đô la Mỹ. Nếu tính thêm 91 dự án FDI đang hoạt động xin điều chỉnh tăng vốn cùng với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 345 triệu đô la Mỹ, thì trong nửa đầu năm nay toàn thành phố chỉ thu hút được khoảng 720 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong cùng thời gian trên, TPHCM đã chấp thuận cho 915 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp tại thành phố với tổng vốn góp đăng ký đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM thu hút được 2,15 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy việc tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài này trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu dựa vào nguồn vốn góp, mua cổ phần (thường được gọi là đầu tư gián tiếp) chứ không phải là tăng trưởng từ nguồn vốn cam kết đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy hướng của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thành phố là chọn phương thức đầu tư mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nhiều hơn là đầu tư trực tiếp như những năm trước đây.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong 6 tháng đầu tư năm nay, vốn FDI cấp mới tập trung nhiều vào hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều nhất với hơn 124 triệu đô la Mỹ ((33,1%); tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 29,4%; thông tin và truyền thông chiếm 15% và hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 10,76%.

Trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc có vốn đầu tư vào TPHCM cao nhất với hơn 101 triệu đô la Mỹ, chiếm 26,9%; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 14,1%; Malaysia chiếm 12,1%; Singapore là 11,1%.

Theo giới phân tích các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách thức hiệu quả và nhanh nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm nay và cả năm tới.

Bên cạnh những thuận lợi do Luật Đầu tư năm 2014 mang lại trong lĩnh vực M&A, việc TPHCM tạo cơ chế thuận lợi trong việc góp vốn mua cổ phần cũng góp phần đẩy mạnh các giao dịch M&A tăng cao.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai phục vụ đăng ký trực tuyến cho việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại TPHCM. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã tiếp nhận 612 hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công.

Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng giai đoạn 2 của chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến áp dụng cho một số thủ tục đầu tư khác trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP đã cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết và công ty đại chúng từ 49% lên 100%, trừ một số công ty hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo giới phân tích, cũng đã giúp cho nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư qua hình thức M&A nhiều hơn.

Vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước tăng mạnh

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM có 18.030 doanh nghiệp được cấp phép thành lập với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỉ đồng, tăng 10,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 57,5% về vốn đăng ký.

Ngoài ra, có 26.137 lượt doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 265.165 tỉ đồng, tăng 10,2% về số lượt doanh nghiệp và tăng gấp 3,5 lần về vốn bổ sung so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 492.679 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong thời gian trên doanh nghiệp thành lập mới đăng ký hoạt động vào ngành kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất lên đến 40%, với vốn đăng ký đạt hơn 90.971 tỉ đồng.

Lĩnh vực buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 19,7% với vốn đăng ký đạt 44.761,5 tỉ đồng và lĩnh vực xây dựng với vốn đăng ký 35.386,1 tỉ đồng chiếm 15,5%.

Ngoài ra, TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp và đến nay, đã có 544 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Quốc Hùng