|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

KFC bán gà rán trên TikTok: ShopeeFood, GrabFood nên bắt đầu lo lắng?

13:34 | 01/08/2024
Chia sẻ
TikTok đang rục rịch tiến vào lĩnh vực F&B, cho phép người tiêu dùng đặt và giao đồ ăn ngay trên nền tảng.

Từ đầu tháng 6, KFC Việt Nam thử nghiệm bán gà rán trong các buổi livestream trên TikTok. Người dùng có thể xem livestream, để lại bình luận để đặt đồ ăn dựa theo mã khuyến mại cung cấp và nhận đồ trong vòng một giờ với phí giao 10.000 đồng.

Các phiên livestream bán hàng của KFC Việt Nam diễn ra vào khung giờ trưa và chiều tối. Đây có thể được coi là chuỗi đồ ăn nhanh đầu tiên tại Việt Nam bán hàng trên nền tảng TikTok. Trước đó, TikTok Shop chỉ được biết đến là một sàn thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm đồ khô, gia dụng.

Thực tế, việc TikTok lấn sân sang lĩnh vực F&B đã nằm trong chiến lược của hãng công nghệ Trung Quốc. Theo Tech in Asia, thời gian tới TikTok sẽ bổ sung thêm các tính năng như mua theo nhóm và bán voucher ăn uống cho các nhà hàng.

Livestream bán gà rán của KFC Việt Nam trưa 1/8. (Ảnh: Đức Huy).

TikTok nói họ đang thử nghiệm dịch vụ này ở một số thị trường Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan, cho phép người dùng "khám phá những địa điểm và trải nghiệm mới xung quanh". Với tính năng "Local Services", người dùng TikTok có thể nhấp vào thẻ “Địa điểm ưa thích" trong video để khám phá các ưu đãi như voucher ăn uống, giao đồ ăn, vé tham quan và đặt phòng khách sạn.

"Người dùng sẽ được chuyển đến website của nhà cung cấp để thực hiện giao dịch”, phát ngôn viên của TikTok cho hay. Mặc dù mới chỉ thử nghiệm ở Indonesia và Thái Lan, tham vọng của TikTok với lĩnh vực F&B không dừng lại ở đó. Việt Nam, nơi doanh số và số lượng nhà cung cấp trên TikTok tăng gấp ba trong năm ngoái, có thể là điểm đến tiếp theo.

Tính năng này còn khá mới với TikTok, nhưng đã được Douyin, "người anh em" của TikTok ở Trung Quốc, triển khai từ năm 2018. Tại Trung Quốc, Douyin đã dần lấn sân sang lĩnh vực giao đồ ăn, đặt phòng khách sạn, gọi xe,… thu hút hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày.

Trên Douyin, khi người dùng xem video về đồ ăn, ứng dụng sẽ hiển thị liên kết mua voucher hoặc đặt giao hàng tận nơi. TikTok cũng đang thử nghiệm tính năng tương tự ở Indonesia. Các chuỗi cà phê Kopi Kenangan và Tomoro Coffee đang bán voucher ăn uống trên trang cá nhân và trong các video của họ.

Ông Rui Ma - COO công ty nghiên cứu thị trường AlphaWatch AI và chuyên gia phân tích công nghệ Trung Quốc tại Tech Buzz China, đánh giá việc đẩy mạnh các dịch vụ này trên TikTok là hợp lý vì nền tảng này đã trở thành nơi "khám phá hoạt động”.

Đồng quan điểm, Jonathan Lim, CEO và Nhà sáng lập nền tảng công nghệ F&B Oddle, chia sẻ: "Rất nhiều khách hàng đưa ra quyết định dựa trên TikTok - đó là điều chắc chắn”. 

Còn CEO kiêm Sáng lập Momentum Works đánh giá việc TikTok đang triển khai thử nghiệm tại Đông Nam Á cho thấy họ nhìn thấy tiềm năng kiếm tiền từ lượng người dùng khổng lồ thông qua các dịch vụ địa phương.

Rõ ràng nếu TikTok tham gia vào lĩnh vực giao đồ ăn, đây sẽ là một thách thức trực tiếp đối với mảng kinh doanh cốt lõi của Grab hay Shopee. Liệu TikTok có thể tạo ra một cú hích trên thị trường F&B như cách TikTok Shop đã làm với Shopee trong lĩnh vực thương mại điện tử hay không?

Trước đó, dù mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 2022 nhưng TikTok Shop đã nhanh chóng đánh bại Lazada để vươn lên trở thành sàn thương mại điện tử có thị phần lớn thứ hai thị trường, đe doạ vị thế của “ông lớn” Shopee.

Là một thế lực trong lĩnh vực giao đồ ăn, Grab chắc chắn đang theo dõi sát sao mọi động thái của TikTok khi nền tảng này lấn sân sang ngành F&B. Tuy nhiên, Grab không phải là "tay chơi" duy nhất đang chủ động tấn công thị trường, khi mà các nền tảng giao đồ ăn khác cũng đang phải thích ứng với mô hình mua hàng mới, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ mạng xã hội.

Momentum Works đánh giá cuộc chiến sinh tồn trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đang trở nên khốc liệt hơn với cuộc cạnh tranh dẫn đầu bởi GrabFood và ShopeeFood.

Theo ông Jianggan Li các nền tảng giao đồ ăn đang tìm cách để tiếp tục tăng trưởng, bao gồm các giải pháp trợ giá, thương mại, quảng cáo cũng như dịch vụ tài chính, thanh toán số.

Chẳng hạn như Grab, tháng 11/2023, doanh nghiệp này cho biết đang phát triển một nền tảng giá rẻ dành riêng cho đối tượng khách hàng đau đầu về chi phí. Tại đó, người dùng có thể dễ dàng tìm được lựa chọn hợp lý.

Dịch vụ này sẽ được triển khai trên toàn khu vực Đông Nam Á vào đầu năm nay, trong đó cung cấp các tuỳ chọn để giảm phí giao hàng, danh sách cửa hàng có giá rẻ hoặc các chiến dịch khuến mãi hấp dẫn. Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng bộ lọc để tìm chi phí giao hàng hợp lý hay món ăn có giá phải chăng. 

Dù thị trường có thêm đối thủ mới, song những ông lớn như GrabFood hay ShopeeFood có thể chưa vội lo lắng khi các chuyên gia nói với DealStreetAsia rằng lĩnh vực giao đồ ăn sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tới khi nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Việt Nam sẽ vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong giai đoạn 2023-2025, theo báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 11/2023. Báo cáo cho biết, kinh tế số Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong hai năm, ngang bằng với Philippines, tiếp theo là Thái Lan (17%), Indonesia (15%), Malaysia (14%) và Singapore (13%).

“Với nhu cầu F&B tăng mạnh, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và sự hợp nhất đang diễn ra, có rất nhiều cơ hội phát triển dành cho các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực. Trong khi tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, những công ty dẫn đầu cũng cần để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi”, CEO Momentum Works nhấn mạnh.

Đức Huy