|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

GrabFood: Tìm cơ hội trong thách thức

15:51 | 30/05/2024
Chia sẻ
Khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng giảm chi tiêu, ban lãnh đạo Grab nhận định đây là cơ hội không phải trở ngại, và tìm cách đưa ra những chiến lược phù hợp nhằm thu hút thêm đối tác hoạt động trên nền tảng cũng như giữ chân khách hàng ở lại.

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ truyền thông, ông Mã Tuấn Trọng - Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam, đã chia sẻ những chiến lược tìm kiếm tăng trưởng mới của GrabFood trong bối cảnh kinh tế chung khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt hầu bao.

 Ông Mã Tuấn Trọng - Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam. (Ảnh: Grab Việt Nam cung cấp).

Giữ chân khách hàng 

Ông Trọng nói trước tình hình kinh tế sẽ khó khăn từ đầu năm 2023, GrabFood đã đưa ra chiến lược giá phải chăng nhằm giữ chân khách hàng. Để phục vụ chiến lược này, Grab đã đưa ra nhiều sản phẩm và tính năng mới, trong đó có thể kể đến gói Hội viên GrabUnlimited được triển khai từ tháng 3/2023.

Khảo sát cho thấy trong năm 2023, tần suất sử dụng GrabFood thông qua GrabUnlimited không những giảm đi mà còn tăng 2,8 lần so với người dùng không dùng gói hội viên. “Điều này phần nào cho thấy gói hội viên đã trở thành một giải pháp cho người tiêu dùng trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu”, Giám đốc Thương mại Việt Nam nhận định.

Cũng trong thời gian này, Grab triển khai tính năng lựa chọn giao hàng, trong đó có lựa chọn Giao hàng tiết kiệm. Số liệu của Grab trong quý IV năm ngoái cho thấy cứ 5 người sẽ có một người dùng chọn Giao tiết kiệm để tiết giảm chi phí. Ngoài ra,  tính năng Đặt đơn nhóm của GrabFood đang giúp người dùng tiết kiệm chi phí giao hàng nhờ phí giao hàng được chia cho các thành viên cùng tham gia một đơn hàng và có cơ hội hưởng thêm  ưu đãi nhờ đơn hàng có giá trị lớn. Ông Trọng cho biết số người dùng đặt đơn theo nhóm đã tăng 45% trong quý cuối năm ngoái so với quý trước đó.

Ông Trọng cho biết thêm, để thu hút người dùng hơn nữa, thời gian tới GrabFood sẽ giới thiệu thêm công cụ mới trên tính năng đặt đơn nhóm, tạo điều kiện cho từng thành viên trong đơn hàng nhóm có thể thanh toán tự động phần đặt hàng của mình. .

Nhờ những biện pháp kể trên, Grab cho biết tần suất và số lượng đơn hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn không những giảm mà còn tăng lên ngay cả khi so với thời điểm COVID-19. “Đặt đồ ăn trở thành thói quen tiêu dùng mới, xuất phát từ trước COVID-19 và trong COVID-19 phát triển mạnh mẽ vì nhu cầu thực. Sau COVID-19, xu hướng này càng trở thành lối sống được nhiều người lựa chọn hơn”, Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam nói.

Thu hút thêm đối tác nhà hàng 

Không chỉ tìm cách giữ chân người dùng ở lại nền tảng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, GrabFood cũng thực hiện các biện pháp để mở rộng danh mục đối tác nhà hàng, mang lại cho khách hàng nhiều lựa chọn đa dạng khi sử dụng dịch vụ.

Đại diện Grab chia sẻ về chiến lược đa dạng hóa các mô hình hợp tác; và tận dụng thế mạnh công nghệ để có sự hỗ trợ hiệu quả cho đối tác, đặc biệt là những quán ăn, nhà hàng có quy mô nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực.

Hiện Grab có 4 mô hình hợp tác với đối tác nhà hàng, gồm: Giao hàng online, Lead Generation (Tạo khách hàng tiềm năng), Phối hợp lập kế hoạch kinh doanh và Voucher nhà hàng. Trong đó, giao hàng online là mô hình chủ đạo khi các đối tác tận dụng được mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp của Grab, nền tảng khách hàng lớn và đa dạng giúp nhà hàng mở rộng phạm vi bán hàng, không chỉ khu vực lân cận mà còn ở xa.

“Chúng tôi đầu tư vào công nghệ để giúp nhà hàng phát triển và thu hút nhiều khách hàng hơn. Đây là cách chúng tôi muốn xây dựng GrabFood trở thành nền tảng tin cậy cho các đối tác nhà hàng", ông Trọng nói. (Ảnh: Grab Việt Nam cung cấp).

Đối với mô hình hợp tác mới được giới thiệu gần đây, Voucher nhà hàng, Ông Mã Tuấn Trọng chia sẻ, khi nhận thấy xu hướng ăn uống offline đang quay trở lại từ sau COVID-19, ban lãnh đạo Grab nhận định đây là cơ hội chứ không phải trở ngại. Do đó, Grab đưa ra mô hình Voucher nhà hàng. Tại đây, người dùng lên Grab để tìm kiếm nhà hàng, thay vì đặt đồ ăn online thì có thể mua voucher với giá ưu đãi sau đó đặt chuyến xe Grab đến nhà hàng để thưởng thức bữa ăn và thanh toán bằng voucher. Ông Trọng nhận định, mô hình này cũng tạo cơ hội có thêm cuốc xe cho đối tác tài xế.

Tập trung hỗ trợ đối tác nhà hàng quy mô vừa và nhỏ, Grab cũng đưa ra tính năng Quản Lý Tiếp Thị trên ứng dụng Grab Merchant (dành cho đối tác nhà hàng của Grab. Các đối tác hoàn toàn có thể sử dụng tính năng qua thao tác ngay trên điện thoại Với tính năng này, nhà hàng có thể khởi tạo chiến dịch marketing trên nền tảng để thu hút khách. Khác với các nền tảng quảng cáo khác, đối tác nhà hàng của Grab sử dụng tính năng chỉ trả chi phí marketing  khi có đơn hàng thành công. Số liệu của Grab trong quý I/2024  cho thấy trung bình mỗi tháng có 70% nhà hàng tiếp tục sử dụng tính năng này sau khi trải nghiệm tháng đầu tiên.

Ngoài ra, nhờ thế mạnh trong việc tiếp cận và tương tác với người dùng, Grab có điều kiện thấu hiểu các hành vi của người tiêu dùng liên quan đến nhu cầu ẩm thực. Do đó, công ty đã thường xuyên chia sẻ những hiểu biết về người dùng với các đối tác nhà hàng thông qua các báo cáo định kỳ hoặc triển khai nhiều hoạt động chia sẻ, giúp đối tác nhà hàng kịp thời cập nhật xu hướng để cải thiện thực đơn hay có những điều chỉnh kinh doanh phù hợp.

“Chúng tôi đầu tư vào công nghệ để giúp nhà hàng phát triển và thu hút nhiều khách hàng hơn. Đây là cách chúng tôi muốn xây dựng GrabFood trở thành nền tảng tin cậy cho các đối tác nhà hàng. Khi một nhà hàng lên GrabFood, nếu họ nhận thấy không thu hút được khách hàng, họ sẽ nhanh chóng rời đi. Nhưng chúng tôi đang ghi nhận danh mục đối tác nhà hàng trên GrabFood không ngừng được mở rộng”, ông Trọng nói và cho biết số lượng đối tác nhà hàng GrabFood tăng 76% trong vòng hai năm từ 2021 - 2023.

Đức Huy