|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab giải bài toán định vị bằng chiếc ghế đá

14:17 | 23/05/2024
Chia sẻ
Ghế đá công cộng có chứa mã QR là một định vị trên bản đồ nền tảng Grab.

Trong cuộc gặp gỡ truyền thông mới đây, ông Mã Tuấn Trọng - Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam, chia sẻ câu chuyện về sáng kiến ghế đá tại các điểm du lịch. Ông Trọng cho biết với xu hướng du lịch dần ấm trở lại, không chỉ trong nước mà cả trong khu vực, Grab với thế mạnh của mình là hệ sinh thái người dùng rộng lớn đã đẩy mạnh các chiến dịch marketing để tìm kiếm tăng trưởng.

Một trong những dự án đó là hợp tác với các địa phương du lịch nhằm tăng kết nối, sự hiện diện của nền tảng như tại Đà Nẵng, Nha Trang hay Vũng Tàu. Trong đó, Grab xây dựng các hàng ghế đá có chứa mã QR Code. Ghế đá có mã QR không chỉ giúp ích cho người dân, du khách mà còn là công cụ hiệu quả để tài xế Grab định vị được vị trí khách hàng, giúp giao hàng hiệu quả.

Ghế đá có in QR Code của Grab. (Ảnh: Grab).

Ý tưởng của Grab là lắp đặt hàng ghế đá QR Code tại những điểm du lịch sầm uất. Trên ghế có khắc những mã QR để người tiêu dùng tiếp cận ứng dụng, mỗi ghế là một định vị trên bản đồ Grab. Người dùng có thể mở điện thoại, quét mã QR và đặt hàng/gọi xe. Ngay lập tức, tài xế có thể định vị chính xác địa điểm đó, giúp giao nhận hàng hoá trở nên dễ dàng hơn. 

“Đồng thời đây là một cơ hội để Grab quảng bá thương hiệu của mình. Chúng tôi đạt được hai mục đích, cả về mặt vận hành lẫn truyền thông”, phía Grab chia sẻ.

Thực tế, ngay từ năm 2017 - thời điểm Grab hợp nhất với Uber để trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, ban lãnh đạo tập đoàn đã nhận ra rằng vấn đề lớn nhất với nền tảng như họ là “điểm hẹn”.

Khi đó, dù số lượng chuyến xe của Grab đã tăng gần gấp đôi mỗi tháng, nhưng vẫn có quá nhiều khách hàng bị lạc đường khi cố gắng tìm xe, khiến các tài xế bối rối. Tại Singapore, nơi đặt trụ sở chính của Grab, người dùng thường phải đi bộ tới 80 m để tìm tài xế của mình. Ở các thành phố khác, chẳng hạn như Yangon, khách hàng có thể phải lê bước 300 m.

Quá trình mở rộng thần tốc của Grab đã giúp họ sớm nhìn ra lỗ hổng. Từ chỗ chỉ hoạt động ở 34 thành phố vào năm 2017, công ty khởi nghiệp này đã hoạt động tại 235 thành phố trên 8 quốc gia, cung cấp một loạt các dịch vụ từ vận chuyển, giao đồ ăn, thanh toán và logicstics.

Ngay lập tức, ban lãnh đạo Grab yêu cầu khoảng cách điểm hẹn, tức khoảng cách khách hàng phải đi bộ đến chỗ tài xế, phải được giảm xuống một cách nhanh chóng. Vì vậy, Ajay Bulusu - một cựu nhân viên của Google đã gia nhập Grab vào tháng 8/2017, bắt đầu thành lập nhóm chuyên trách để khắc phục các hoạt động lập bản đồ của hãng gọi xe này.

18 tháng trôi qua, nhóm lập bản đồ gồm 250 nhân viên của Grab - trong đó có 100 người ở Ấn Độ, đã xem xét gần một triệu km đường trên 20 thành phố ở Đông Nam Á. Năm kế tiếp, Grab đi sâu vào 100 thành phố và xem xét kỹ lưỡng gần 4 triệu km đường.

Ông Jun Wakabayashi, nhà phân tích tại AppWorks - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết: “Khi bạn là người dẫn đầu thị trường, người dùng sẽ mong đợi một tiêu chuẩn dịch vụ nhất định. Bản đồ là một phần cốt lõi của dịch vụ chia sẻ chuyến đi và nếu nó có lỗi, độ trễ hoặc sự chậm trễ liên tục tạo ra đủ khó khăn, thì cuối cùng người lái xe cũng như người đi xe sẽ cảm thấy thất vọng, sẵn sàng rời bỏ nền tảng”.

Cuối cùng, để giải quyết triệt để vấn đề định vị, giữa năm 2022, Grab ra mắt GrabMaps. GrabMaps được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu bản địa hóa của nền tảng. GrabMaps đang cung cấp các dịch vụ và thuật toán trí tuệ định vị cho tất cả dịch vụ của Grab tại 7 trên 8 quốc gia mà công ty hiện diện.

Và rõ ràng, cùng với GrabMaps, sáng kiến ghế đá in mã QR, nền tảng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam đang muốn ngày càng hoàn thiện trải nghiệm dịch vụ khách hàng của mình, giúp người dùng có trải nghiệm liền mạch dù ở bất cứ đâu.

Đức Huy