|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab giảm lỗ, lấn sân dịch vụ tài chính khi giải ngân cho vay 1,5 tỷ USD

10:51 | 23/02/2024
Chia sẻ
Nhờ tăng trưởng mạnh trong mảng di chuyển và giao hàng, khoản lỗ của Grab đang thu hẹp. Trong khi đó, công ty tích cực tiến vào mảng dịch vụ tài chính với ngân hàng số tại Singapore và Malaysia.

Grab Holdings Limited (Nasdaq: GRAB) công bố kết quả tài chính chưa kiểm toán cho quý IV/2023 và cả năm.

Ông Anthony Tan, CEO kiêm Đồng sáng lập Grab cho biết 2023 là một năm bản lề. Công ty đã tạo ra 1 tỷ USD doanh thu cho các đối tác (nhà hàng, tài xế). 

Trong khi đó tổng giá trị hàng hoá (GMV) vượt mức trước COVID-19, tăng trưởng GMV trong mảng giao hàng và di chuyển tăng tốc trở lại đồng thời đạt được mục tiêu lợi nhuận EBITDA điều chỉnh. Đây là quý thứ 8 liên tiếp Grab ghi nhận sự cải thiện EBITDA.

Cụ thể, trong quý IV/2023, doanh thu Grab tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 653 triệu USD, nhờ tăng trưởng ở tất cả các phân khúc và giảm chi phí khuyến mãi.

Tổng khối lượng giao dịch (GMV) tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mảng di chuyển và giao hàng. Chi phí khuyến mãi giảm từ 8,2% xuống 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong quý, lãi ròng Grab đạt 11 triệu USD, so với lỗ 391 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Lãi EBITDA điều chỉnh của toàn tập đoàn đạt 35 triệu USD, so với âm 111 triệu USD cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận EBITDA điều chỉnh đạt 0,6%, tăng so với âm 2,2% cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí quản lý khu vực trong quý giảm từ 223 triệu USD xuống 193 triệu USD.

 Tài xế Grab trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Luỹ kế cả năm, doanh thu Grab tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,36 tỷ USD, vượt qua dự báo là 2,31-2,33 tỷ USD.

Sự tăng trưởng này đến từ tất cả các phân khúc, việc tối ưu hóa chi phí khuyến mãi và thay đổi mô hình kinh doanh cho một số dịch vụ giao hàng ở một thị trường.

Tổng GMV cả năm tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 21 tỷ USD, nhờ sự tăng trưởng của mảng di chuyển và giao hàng. GMV theo yêu cầu (On-Demand) tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16 tỷ USD.

Trong năm vừa qua, công ty lỗ 485 triệu USD, giảm 72% so với năm trước. Điều này chủ yếu nhờ vào việc cải thiện lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của toàn tập đoàn, giảm lỗ do biến động giá trị đầu tư và giảm chi phí lãi vay.

Trong cả năm, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của toàn tập đoàn vẫn âm 22 triệu USD, nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức âm 793 triệu USD của năm 2022, và đạt đúng mục tiêu đề ra là âm từ 25 đến 20 triệu USD.

Tình hình tiền mặt từ hoạt động kinh doanh cũng được cải thiện. Năm 2023, công ty thu được 86 triệu USD tiền mặt từ hoạt động kinh doanh, trong khi năm 2022 lại phải chi ra 798 triệu USD. Cải thiện này chủ yếu do lỗ trước thuế giảm và tiền gửi của khách hàng trong mảng ngân hàng số tăng lên.

Tuy nhiên, dòng tiền tự do điều chỉnh (Adjusted Free Cash Flow) vẫn âm 234 triệu USD trong năm 2023, so với mức âm 825 triệu USD của năm 2022. Dù vậy, con số này giảm mạnh nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh được cải thiện.

Giao hàng

Quý IV, doanh thu mảng giao hàng tăng 80% so với cùng kỳ lên 321 triệu USD. Tăng trưởng chủ yếu nhờ giảm chi phí khuyến mãi, tăng tổng khối lượng giao dịch (GMV), và thay đổi mô hình kinh doanh của một số dịch vụ giao hàng.

Tổng khối lượng giao dịch (GMV) mảng giao hàng tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,6 tỷ USD trong quý nhờ tăng chi tiêu trung bình trên người dùng và tăng số lượng đơn hàng. Cả năm, GMV mảng giao hàng tăng 4% so với năm 2022.

Grab tiếp tục thúc đẩy người dùng tăng khả năng chi trả cho dịch vụ giao hàng và khuyến khích sử dụng "Saver deliveries" - dịch vụ giao hàng giá rẻ hơn nhưng thời gian lâu hơn.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) điều chỉnh của mảng giao hàng tăng từ 2% trong quý IV/2022 lên 3,6% trong cùng kỳ năm 2023. Cả năm, lợi nhuận EBITDA điều chỉnh mảng giao hàng đạt 313 triệu USD, cải thiện so với mức âm 35 triệu USD năm 2022.

Di chuyển

Quý IV, doanh thu mảng di chuyển của Grab tăng mạnh 26% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng tổng cộng 36% trong cả năm. Tăng trưởng chủ yếu nhờ nỗ lực cải thiện số lượng tài xế, đáp ứng nhu cầu tăng cao về dịch vụ gọi xe du lịch và nhu cầu nội địa.

GMV mảng di chuyển tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý IV/2023, và tăng 32% trong cả năm 2023. Tăng trưởng đến từ số lượng đơn hàng và tần suất đặt xe trung bình tăng.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) điều chỉnh của mảng di chuyển là 12,3% trong quý IV và 12,5% trong cả năm.

Công ty tiếp tục tối ưu hoá số lượng tài xế hiện có và nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Số lượng tài xế hoạt động hàng tháng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập trung bình trên mỗi giờ của tài xế tăng 14%.

Dịch vụ tài chính

Doanh thu mảng dịch vụ tài chính tăng gấp đôi lên 56 triệu USD trong quý IV, so với 28 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, doanh thu mảng này tăng 159%. Tăng trưởng nhờ khả năng kiếm tiền tốt hơn từ dịch vụ thanh toán, đóng góp lớn hơn từ dịch vụ cho vay và giảm chi phí khuyến mãi.

Tuy vậy, GMV mảng dịch vụ tài chính giảm 14% so với cùng kỳ trong quý IV và giảm 11% trong cả năm. Grab cho biết điều này phù hợp với mục tiêu thúc đẩy giao dịch trong hệ sinh thái.

Trong quý, EBITDA điều chỉnh tăng 13% so với cùng kỳ năm và tăng 29% trong cả năm. Grab đã giảm chi phí hoạt động tại GrabFin để đạt hiệu quả cao hơn.

Chi phí vốn (Cost of Funds), một chi phí biến động hỗ trợ nền tảng thanh toán, tăng so với cùng kỳ năm ngoái do khối lượng giao dịch tăng.

Chi phí vốn lần lượt chiếm 26% và 29% chi phí mảng dịch vụ tài chính trong quý IV và cả năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận EBITDA điều chỉnh giảm so với cùng kỳ quý trước xuống âm 81 triệu USD, chủ yếu do ra mắt ngân hàng số GXBank tại Malaysia, trong khi chi phí của GrabFin vẫn ổn định mặc dù chi phí vốn tăng do giao dịch theo yêu cầu tăng.

Tổng số tiền cho các đối tác trong hệ sinh thái vay tiếp tục tăng. Cả năm 2023, tổng số tiền cho vay tăng 57% so với cùng kỳ, đạt 1,5 tỷ USD. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay đạt 326 triệu USD.

Tính đến ngày 31/12/2023, tiền gửi của khách hàng tại GXS Bank và GXBank (ngân hàng số tại Singapore và Malaysia) đạt 374 triệu USD.

Trước đó, tháng 11/2023, GXBank là Digibank đầu tiên ra mắt tại Malaysia. Trong hai tuần sau khi ra mắt, hơn 100.000 người gửi tiền đã mở tài khoản tại GXBank, trong đó 79% là người dùng Grab hiện tại.

Grab sẽ mua lại tối đa 500 triệu USD cổ phiếu quỹ

Hội đồng quản trị Grab đã phê duyệt chương trình mua lại cổ phiếu quỹ, trong đó Grab có thể mua lại tối đa 500 triệu USD cổ phiếu phổ thông loại A đang lưu hành.

Grab sẽ trả toàn bộ khoản vay tín dụng dài hạn B đang nợ, giúp tiết kiệm chi phí lãi vay. Khoản vay này được giải ngân vào tháng 1/2021, với thời hạn 5 năm và số tiền gốc là 2 tỷ USD.

Tính đến ngày 31/12/2023, số tiền gốc và lãi tích lũy còn nợ theo khoản vay là 497 triệu USD.

Đức Huy