|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc

21:25 | 18/08/2018
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đồng tổ chức hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
ket noi tieu thu nong san cac tinh bien gioi viet nam trung quoc Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: 'Lực đẩy' khơi thông thị trường
ket noi tieu thu nong san cac tinh bien gioi viet nam trung quoc

Các doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Trung Quốc ký Bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Ngày 18/8, tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đồng tổ chức hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Hội nghị nhằm cung cấp về tình hình thương mại nông sản giữa hai nước Việt-Trung, phổ biến quy định liên quan xuất nhập khẩu nông sản; những vấn đề khó khăn cần giải quyết và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối hợp tác trong việc xuất nhập khẩu nông sản.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, duy trì mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong những năm qua, Việt Nam đã cùng với Trung Quốc từng bước xây dựng và hoàn thiện và hành lang pháp lý, quản lý đầu tư theo hướng khuyến khích phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động thương mại qua biên giới của các thương nhân, cư dân khu vục biên giới.

Hai bên cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, bến bãi, vận tải... tại khu vực cửa khẩu; nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hải quan...

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục phát triển trong thời gian qua. Năm 2017, kim ngạch song phương đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 46,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Giao thương nông sản với Trung Quốc có rất nhiều thuận lợi. Nhu cầu về tiêu dùng cũng như nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản để tiêu dùng và làm nguyên liệu phụ vụ sản xuất của Trung Quốc rất lớn và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Thị hiếu tiêu dùng về chủng loại, mẫu mã... của người dân hai nước tương đồng nhau.

Hai nước có vị trí địa lý sát nhau, lại chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ cao, ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường này.

Tuy nhiên, theo ông La Đình Tuyến, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hàng Việt Nam gặp cạnh tranh của các nước có nguồn cung tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia... thậm chí là nguồn cung nội địa của Trung Quốc (hiện phía bạn cũng đã sản xuất một số loại cây như thanh long, chuối, dưa hấu).

Một số loại nông, thủy sản Việt Nam có thế mạnh chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu như măng cụt, sầu riêng, chanh leo, lợn sống, sản phẩm sữa, cá đồng, nghêu... Các địa phương và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu biên giới vẫn chưa mạnh dạn trong việc bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Theo đó, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại với năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...

Với xu hướng quản lý hiện nay của phía bạn, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, cho biết Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu. Do đó, để giữ vững uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt qui định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc; thay đổi phương thức bảo quản; cam kết khắc phục không để vi phạm đối với những lô hàng tiếp theo...

Đồng thời, phối hợp với các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu tăng cường kiểm tra lấy mẫu đối với các lô hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng thanh long, nhãn và chuối xanh.

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch, kiểm nghiệm của Trung Quốc dần tháo gỡ những rào cản về kỹ thuật nhằm tạo điều kiện giúp hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu; tiếp tục đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu chính ngạch nhiều loại quả tươi của Việt Nam hơn nữa, bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng tích cực trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì các địa bàn truyền thống và thâm nhập địa bàn tiềm năng; các lực lượng chức năng cửa khẩu tiếp tục cải tiến cách thức thông quan hàng hóa nông sản Việt một cách thuận lợi nhất để tận dụng kết cấu hạ tầng thương mại biên giới, giảm giá thành, chi phí trong hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa qua biên giới.

Tại hội nghị, nhiều Bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã được ký kết nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Xem thêm

Quang Duy - Bích Hồng