|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khơi mở thị trường cho nông sản

07:30 | 02/07/2018
Chia sẻ
Tiêu Thụ Nông Sản được Dự Báo Còn Gặp Nhiều Khó Khăn, Thách Thức. Do đó, Thời Gian Tới, Bộ Công Thương Sẽ Tiếp Tục Thực Hiện Các Giải Pháp Thúc đẩy Tiêu Thụ ở Trong Nước Và Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu.
khoi mo thi truong cho nong san

Vải thiều chất lượng cao được tiêu thụ mạnh

Tình trạng khó tiêu thụ, dư nguồn cung đối với một số nông sản đã xảy ra trong thời gian qua. Một nguyên nhân quan trọng là do quy trình sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, tự phát theo tín hiệu của thương lái mà không bám sát nhu cầu thị trường… Điều này cho thấy, công tác kiểm soát khâu tổ chức sản xuất, nguồn cung ở cấp địa phương còn chưa chặt chẽ và thiếu hiệu quả.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, thị trường quốc tế ngày càng nhiều rủi ro bởi xu hướng bảo hộ bằng hàng rào thuế quan có xu hướng gia tăng. Một số nước tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu, thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng nông sản giữa các nước có nguồn cung tương tự. Bối cảnh trên đã, đang và tiếp tục gây áp lực lớn đến sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của nước ta.

Nhằm tiếp tục giải quyết “bài toán” đầu ra cho nông sản, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn nước ngoài chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với nhu cầu chế biến, sử dụng phụ phẩm..., đặc biệt là công nghệ về giống; giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn hợp tác, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường đối với từng mặt hàng cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tìm kiếm các thị trường nước ngoài có tiềm năng, cung cấp thông tin cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nhằm điều tiết, phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông sản hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện tốt đàm phán, tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ... cho nông sản xuất khẩu; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối quốc tế; phối hợp với Bộ Ngoại giao tích cực quảng bá hàng nông sản Việt Nam ở nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ các hiệp hội, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu trái cây từ Thái Lan, Trung Quốc… để nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi có dấu hiệu nhập khẩu tăng đột biến.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng, triển khai Chương trình bình ổn thị trường, tiêu thụ nông sản với giá ổn định cho nông dân; kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản ở nội địa, đặc biệt là tiêu thụ các mặt hàng có tính thời vụ cao như dưa hấu, vải thiều, hành tím, ổi, na…

Hiệp hội ngành hàng nông sản cần phối hợp với các bộ, ngành để chung tay xây dựng thương hiệu; tổ chức liên kết doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản để phát huy tính hiệu quả của quy mô, giảm chi phí...

Lan Ngọc