|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kế hoạch thống trị hàng không của Bắc Kinh vấp phải lực cản từ Mỹ

22:06 | 29/03/2021
Chia sẻ
Chính quyền Biden không nới lỏng các hạn chế xuất khẩu áp lên Trung Quốc về sản phẩm hàng không từ thời ông Trump. Kết quả là kế hoạch tăng tốc phát triển ngành hàng không và vũ trụ của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Kế hoạch thống trị hàng không của Bắc Kinh vấp phải lực cản từ Mỹ - Ảnh 1.

Mẫu máy bay C919 của Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Kế hoạch trở thành cường quốc trong ngành sản xuất máy bay dân dụng của Trung Quốc có thể bị trật bánh bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm hàng không.

Lo ngại các công nghệ quan trọng bị rơi vào tay quân đội Trung Quốc, Washington đã hạn chế các công ty Trung Quốc mua sản phẩm của Mỹ. Nhiều mục tiêu của Washington là các công ty thuộc ngành hàng không vũ trụ.

Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Có thể chính quyền Biden sẽ không nới lỏng bất kỳ kiểm soát nào đối với xuất khẩu công nghệ. Tình hình sẽ phụ thuộc vào quỹ đạo chung của quan hệ Mỹ - Trung".

Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào C919, loại máy bay chở khách thân hẹp hạng trung được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320. Dự kiến C919 sẽ được cấp chứng chỉ đủ điều kiện bay trong năm nay.

Nhưng nhà sản xuất của C919 là Comac đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 1. Ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch của công ty tư vấn hàng không Teal Group nhận định một số quan chức Mỹ có thể muốn tận dụng vấn đề của Comac để buộc cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc tái cấp phép cho Boeing 737 MAX.

Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Boeing và khả năng cất cánh trở lại của dòng máy bay 737 MAX đang bị vướng vào căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc là nước đầu tiên cấm dòng MAX sau hai vụ tai nạn khiến 346 người thiệt mạng

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc chưa đưa ra lịch trình để dòng máy bay này được quay trở lại hoạt động, South China Morning Post (SCMP) cho biết. 

Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm hàng không của Mỹ. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào linh kiện của Mỹ để sản xuất máy bay C919. Do đó, các nhà sản xuất Mỹ đang lo ngại rằng Trung Quốc có thể bắt đầu tìm kiếm lựa chọn khác trong bối cảnh chính phủ Mỹ muốn thắt chặt việc cấp phép các sản phẩm lưỡng dụng quân sự - dân sự cho Trung Quốc.

Báo cáo tháng 1 của một tổ chức nghiên cứu được Quốc hội Mỹ tài trợ viết: "Các chính sách công nghệ của Trung Quốc thường cần đến các quan hệ đối tác và liên doanh, trong đó phía Trung Quốc kiểm soát công nghệ và sở hữu trí tuệ".

"Nhiều đối tác của Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, làm tăng khả năng công nghệ Mỹ có thể được dùng để phục vụ chính phủ và tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc".

Phụ thuộc vào Mỹ

Ông Aboulafia tin rằng Trung Quốc sẽ khó có thể tìm ra lựa chọn khác cho công nghệ hàng không Mỹ hay tự phát triển sản phẩm thay thế. Việc chia tách ngành hàng không Mỹ-Trung có thể khiến Trung Quốc tạo ra "một hệ thống thuộc sở hữu nhà nước kém cỏi, hướng nội giống như Liên Xô trong quá khứ".

Ông Aboulafia chỉ ra hai lý do các công ty Mỹ không thể thua đối thủ châu Âu. Thứ nhất, các công ty châu Âu tìm cách né tránh luật lệ có thể phải chịu trừng phạt từ Mỹ. Thứ hai, có rất ít hệ thống máy bay hoàn toàn do châu Âu sản xuất. Động cơ C919 cũng được sản xuất bởi liên doanh giữa GE và Safran của Pháp.

"Hầu hết mọi thứ trên thị trường hàng không vũ trụ dân dụng thế giới đều là sản phẩm toàn cầu", ông Aboulafia nhấn mạnh.

Chính quyền Trump đã tung ra một loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh vào cuối năm ngoái. Ngành hàng không Trung Quốc là một nạn nhân lớn của các động thái này.

Avic, công ty hàng không và quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, bị đưa vào danh sách "công ty quân đội của Trung Quốc". 7 công ty con của Avic cũng bị Bộ Thương mại Mỹ xác định là "người dùng quân sự", có nghĩa là các nhà xuất khẩu Mỹ phải xin giấy phép để bán hàng cho 7 công ty con này.

Hàng không là bộ phận quan trọng của kế hoạch Made in China 2025. Kể từ khi được công bố, kế hoạch đã bị Mỹ và châu Âu chỉ trích là mang lại cho doanh nghiệp Trung Quốc lợi thế không công bằng thông qua hỗ trợ của nhà nước.

Mặc dù Trung Quốc đã hạn chế nói công khai về Made in China 2025, các khoản đầu tư vào hàng không và mục tiêu giành lấy một phần của ngành công nghiệp này không hề thay đổi.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Bắc Kinh, hàng không và vũ trụ được nhấn mạnh là "các ngành chiến lược", đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và sự phát triển của chúng phải được "tăng tốc".

Ông Kennedy khẳng định: "Trung Quốc không thể tự chủ sản xuất máy bay thương mại trong vòng 30-40 năm tới. Không một nước nào có thể làm vậy, kể cả Mỹ". 

Giang