JB Việt Nam báo lãi quý III giảm 46%, không tập trung cho vay margin như CTCK Hàn Quốc khác
Cụ thể, JB Việt Nam ghi nhận doanh thu hoạt động quý vừa qua đạt hơn 38,1 tỷ đồng, tăng 45,4% so với quý III/2022. Khác với các công ty chứng khoán Hàn Quốc khác trên thị trường, hai nguồn thu chính của JB Việt Nam là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (20,2 tỷ đồng) và nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán (13,56 tỷ đồng). Cả hai mảng này đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong khi đó thu từ mảng cho vay và môi giới của công ty chỉ đạt vài triệu đồng trong quý.
Theo dõi trong quý III, chi phí hoạt động của công ty giảm còn hơn 2,8 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay tăng lên 2,3 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất, chi phí quản lý công ty cao đột biến với 26,3 tỷ đồng, gần gấp 3 lần mức 9,2 tỷ đồng của quý III/2022.
Kết quả là, Chứng khoán JB Việt Nam báo lãi sau thuế giảm hơn 46%, xuống còn hơn 6,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty lãi ròng 15,1 tỷ đồng, thấp hơn mức 24,8 cùng kỳ năm ngoái.
Về quy mô hoạt động, JB Việt Nam có tổng tài sản đạt hơn 1.109 tỷ đồng tại ngày 30/9. Phân bổ chủ yếu vào danh mục FVTPL (300 tỷ đồng) và danh mục HTM (720,9 tỷ đồng). Với danh mục FVTPL, công ty mua vào hơn 300 tỷ đồng trái phiếu. Trong khi danh mục HTM có 386 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm, 257 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 77,7 tỷ đồng trái phiếu.
Chiến lược hoạt động của của JB Việt Nam có phần khác với số đông công ty chứng khoán Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam khi không đi sâu vào mảng bán lẻ.
Thông tin về JB Việt Nam, đơn vị này tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt thành lập năm 2006 bởi liên doanh giữa Tập đoàn Morgan Stanley và một số đối tác trong nước. Tháng 12/2019, Tập đoàn tài chính JB Financial Group (Hàn Quốc) mua lại Morgan Stanley Hướng Việt thông qua chi nhánh Ngân hàng Kwangju. Ngân hàng Kwangju được sở hữu 100% bởi JB Financial.