iPhone 14 cho thấy kế hoạch 'thoát Trung' của Apple khó khăn cỡ nào
Mùa thu năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, Apple sẽ sản xuất một số mẫu iPhone cao cấp nhất của minh bên ngoài Trung Quốc. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng có nhiều ý nghĩa đối với Apple, công ty từng xây dựng một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Dù vậy, việc phát triển iPhone 14 một lần nữa cho thấy những thách thức mà Apple sẽ phải đối mặt khi muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
NYTimes dẫn lời 4 nguồn tin thân cận với vấn đề nói rằng, hơn bao giờ hết, các nhân sự và đối tác cung ứng Trung Quốc đóng góp nhiều vào quá trình phát triển phức tạp của thế hệ iPhone mới nhất, bao gồm cả các lĩnh vực như thiết kế sản xuất, loa và pin. Kết quả là, từ một thiết bị được thiết kế ở California và sản xuất ở Trung Quốc, iPhone trở thành một thiết bị được tạo nên bởi cả 2 quốc gia.
Những công việc mấu chốt mà Trung Quốc thực hiện thể hiện sự phát triển của quốc gia này trong một thập niên trở lại đây và mức độ tham gia sâu hơn của các kỹ sư Trung Quốc trong quá trình phát triển iPhone. Sau khi thu hút các công ty nước ngoài bằng các nhà máy với nhân công chi phí rẻ và năng lực sản xuất không có đối thủ, kĩ sư và các nhà cung ứng Trung Quốc đang dịch chuyển lên phía trên của chuỗi cung ứng để được hưởng lợi nhiều hơn từ túi tiền của các công ty Mỹ muốn sản xuất các thiết bị công nghệ cao.
Tất cả thực tế này đặt ra thách thức cho mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của Apple, một mục tiêu ngày càng trở nên gấp gáp trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ vẫn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch sản xuất iPhone tại Ấn Độ của Apple. Ở Chennai, Ấn Độ, Foxconn sẽ dẫn dắt các nhân công Ấn Độ lắp ráp iPhone với sự trợ giúp của các công ty cung ứng Trung Quốc như Lingyi iTech (cung ứng sạc pin và một số linh kiện khác cho iPhone), theo 2 nguồn tin thân cận. Trong khi đó, BYD cũng đang chuẩn bị hoạt động để cắt kinh màn hình cho Apple.
“Họ muốn đa dạng hoá nhưng điều này không dễ dàng”, Gene Munster, đối tác quản lý của Loup Ventures, nói. “Apple phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc”.
Những gián đoạn do COVID càng làm trầm trọng thêm sự khó khăn của Apple. Khi Trung Quốc đóng cửa biên giới vào năm 2020, Apple buộc phải “đại tu” hoạt động vận hành và từ bỏ hoạt động cử các kỹ sư người Mỹ sang Trung Quốc để thiết kế quy trình lắp ráp cho những chiếc iPhone mới.
Thay vì để nhân viên của mình phải chịu đựng khoảng thời gian cách ly dài, Apple bắt đầy trao quyền và tuyển dụng nhiều kỹ sư người Trung Quốc hơn ở Thâm Quyến và Thượng Hải để lãnh đạo một số khâu quan trọng trong thiết kế những thiết bị bán chạy nhất của mình, người tin nói với NYTimes.
Đội ngũ thiết kế sản phẩm và sản xuất của Apple bắt đầu thực hiện các cuộc gọi video đêm khuya cùng các đồng nghiệp ở Châu Á. Sau khi hoạt động đi lại được nối lại, Apple cố gắng khuyến khích nhân viên trở lại Trung Quốc bằng cách chi thêm 1.000 USD/ngày trong suốt 2 tuần cách ly và 4 tuần làm việc. Mặc dù khoản chi thêm có thể lên tới 50.000 USD, nhiều kỹ sư vẫn không muốn tới Trung Quốc vì họ không chắc mình có thể sẽ bị cách ly trong bao lâu.
Khi không thể di chuyển, Apple cho phép các nhân viên ở Châu Á chủ trì các cuộc họp mà trước đó là nhiệm vụ của các nhân viên ở California. Nhóm nhân sự Châu Á cũng được giao nhiệm vụ chọn các đối tác cung ứng Châu Á cho các linh kiện của iPhone trong tương lai.
Nguồn tin cho biết Apple ngày càng tìm kiếm các nhân sự lương cao ở Trung Quốc để đảm nhận các công việc này. Năm nay, Apple đăng tuyển thêm 50% số lượng công việc ở Châu Á so với năm 2020, theo GlobalData. Nhiều nhân viên mới tuyển dụng là các công dân Trung Quốc từng theo học ở các nước Phương Tây.
Sự thay đổi trong cách làm việc của Apple cũng xảy ra cùng với việc Apple ngày càng sử dụng nhiều đối tác cung ứng Trung Quốc. Hơn 10 năm trước, Trung Quốc đóng góp rất ít giá trị vào quá trình sản xuất iPhone. Trung Quốc chủ yếu cung cấp nhân lực giá rẻ để lắp ráp các linh kiện được chuyển từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Quá trình này chỉ chiếm khoảng 6 USD, tương đương 3,6% giá trị của chiếc iPhone.
Dần dần, Trung Quốc “nuôi dưỡng” các đối tác cung ứng tại địa phương để thay thế các nhà cung ứng của Apple khắp nơi trên thế giới. Các công ty Trung Quóc bắt đầu sản xuất loa, cắt kính màn hình, cung cấp pin và sản xuất mô-đun camera. Các đối tác cung ứng cuả Trung Quốc lúc này đã chiếm hơn 25% giá trị của iPhone.
Sự tăng trưởng ngoạn mục này cho thấy Trung Quốc đã mở rộng để chiếm thế thượng phong trong chuỗi cung ứng smartphone, Dan Wang, một nhà phân tích đang làm việc cho Gavekal Dragonomic, nhấn mạnh. “Xu hướng này sẽ không chậm lại”.
Trong suốt thời gian đại dịch, Trung Quốc đã “thưởng” cho sự phụ thuộc của Apple vào năng lực sản xuất của quốc gia này. Trung Quốc vẫn duy trì được năng lực sản xuất ổn định, dù đóng cửa nhiều lần trong năm 2020 và 2021. Điều này giúp Apple có thêm thị phần smartphone trên thế giới và bán được nhiều iPhone nhất lịch sử.
Năm nay, Apple kỳ vọng iPhone 14 sẽ tiếp nối thành công này. Trong khi các nhà sản xuất smartphone khác cắt giảm sản xuất trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đi xuống, Apple tiếp tục yêu cầu các đối tác cung ứng của mình sản xuất nhiều điện thoại hơn so với một năm trước đó, theo Susquehanna International Group.