Indonesia nâng giá dịch vụ gọi xe vì quyền lợi của tài xế
Dịch vụ gọi xe Tada không thu chiết khấu tài xế sắp ra mắt tại TP HCM |
Nâng giá cước dịch vụ gọi xe vì quyền lợi của tài xế
Reuters dẫn nguồn tin từ hai quan chức chính phủ cho biết, Indonesia đang chuẩn bị ban hành các quy định về giá cước đối với dịch vụ gọi xe công nghệ - một động thái sẽ tạo ra những trở ngại đối với kế hoạch mở rộng của hai “gã khổng lồ” Grab, Go-Jek.
Ông Budi Setyadi, Cục trưởng Cục Giao thông đường bộ, thuộc Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết Bộ đang có kế hoạch áp mức khung giá cước (quy định mức giá tối thiểu và tối đa) đối với dịch vụ đặt xe 4 bánh và hai bánh, cao hơn mức giá cước hiện tại mà Grab và Go-Jek đang áp dụng, và hạn chế các mức giá khuyến mãi.
“Chính sách này sẽ bảo đảm sự an toàn và bảo vệ tài xế”, ông bình luận.
Indonesia nâng giá cước dịch vụ gọi xe vì quyền lợi của tài xế. Ảnh minh hoạ: Tuệ An. |
Cục trưởng Cục Vận chuyển công cộng, Bộ GTVT Indonesia - ông Ahmad Yani - cho rằng chính sách mức cước phí thấp để lôi kéo khách hàng khiến các tài xế phải làm việc quá sức để gia tăng thu nhập, gây rủi ro cho họ.
Yani nhận xét rằng hiện nay Grab chỉ trả cho tài xế 1.200 rupiah/km (gần 2.000 đồng/km) mà lại tập trung vào các khoản thưởng, khuyến khích tài xế chạy nhiều cuốc để nhận thưởng cao. Trong khi đó, Go-Jek trả khoảng 1.400 rupiah/km (2.300 đồng/km) cho đối tác.
Thách thức đối với mô hình kinh doanh cạnh tranh bằng giá rẻ
Các quan chức xác nhận họ đang hoàn thiện khung giá cố định cho dịch vụ xe hai bánh và sẽ được áp dụng từ tháng 3.
Giới chức sẽ ban hành cước phí cố định đối với dịch vụ xe 4 bánh từ tháng 6, với mức giá dao động trong khoảng 3.500 - 6.000 rupiah/km ( 5.800 – 9.900 đồng/km) và có hiệu lực ở các đảo Java, Sumatra, và Bali.
Quy định về giá cước có thể nâng cao thu nhập cho tài xế nhưng cũng khiến dư luận lo ngại việc gia tăng chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của các công ty trong cuộc đua giành thị phần tại thị trường Đông Nam Á.
Hiện nay Grab và Go-Jek vẫn vung tiền để giảm giá ở Indonesia – một phần của cuộc chiến dài hơi trong hành trình trở thành siêu ứng dụng hằng ngày tại khu vực Đông Nam Á.
Người đại diện Grab phát biểu: “Grab tin rằng chính phủ sẽ phát triển khung pháp lý tốt nhất và áp dụng cho tất cả những bên liên quan”.
“Chúng tôi ủng hộ tinh thần của chính phủ để khuyến khích tài xế. Hy vọng quy định này sẽ có tác động tích cực đến thu nhập của tài xế và mang lại sự cạnh tranh công bằng”, người đại diện của Go-Jek bình luận.
Song mức giá cố định sẽ là một thách thức đối với mô hình kinh doanh hiện đang phụ thuộc vào cuộc cạnh tranh giá rẻ để tăng trưởng.
"Người đại diện của Grab và Go-Jek chia sẻ rằng với tôi rằng họ không thích các quy định đó. Do đang cạnh tranh gay gắt, họ rất sợ những yếu tố khiến họ tụt lại so với đối thủ", Cục trưởng Yani nói.