|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Indonesia cứu Jakarta bằng cách chuyển thủ đô đi xa 1.000 km

13:12 | 18/11/2022
Chia sẻ
Thủ đô Jakarta đang lún xuống hàng năm do sức nặng của dân số và quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, mực nước biển đang ngày một dâng cao. Do vậy, chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch xây dựng một thủ đô mới cách Jakarta hơn 1.000 km.

Một góc Jakarta chụp từ trên cao. (Ảnh: Reuters)

Khi các nhà lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại Hội nghị lần thứ 27 về biến đổi khí hậu (COP27) để bàn thảo về giải pháp ngăn chặn cảnh báo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres về kịch bản "tự sát tập thể" do biến đổi khí hậu, số phận của Jakarta là minh chứng sinh động về những gì người dân tại các nước đang phát triển đang phải chịu đựng.

Động lực di dời

Không chỉ đối mặt với vấn đề tắc nghẽn giao thông và chất lượng không khí kém, Jakarta còn đương đầu với những thách thức về khí hậu và môi trường nghiêm trọng đến mức chính phủ đã quyết định chuyển đến một thủ đô mới an toàn hơn.

Lượng mưa ngày càng tăng đi cùng với tình trạng lũ lụt, mực nước biển dâng cao và sụt lún đất đã khiến một trong những siêu đô thị tại Đông Nam Á trở thành môi trường sống đầy thách thức cho hơn 10,5 triệu người. Dự kiến, 25% diện tích của Jarkarta nằm ở mũi phía Tây của đảo Java có thể chìm dưới nước vào năm 2050.

Trước những vấn đề trên, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị để nói lời “từ biệt” thủ đô Jakarta và lên kế hoạch chuyển đến một thủ đô mới mang tên Nusantara, một thành phố được xây dựng cách đó hơn 1.000 km.

Năm 2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố kế hoạch di dời thủ đô trên đảo Java đến một địa điểm rộng 2.560 km2 (gần 990 dặm vuông) trên đảo Borneo.

Vị trí thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: Nikkei Asia)

Kế hoạch tham vọng

Học hỏi bài học xương máu từ Jakarta, các nhà quy hoạch của Nusantara muốn tạo ra một thành phố xanh có thể đối phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo trang web chính thức của thủ đô (ibu kota negara), Tổng thống Widodo có kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 79 của Indonesia tại Nusantara vào tháng 8/2024, thời điểm hệ thống cơ sở hạ tầng cốt lõi cho 500.000 cư dân sẽ được hoàn thành.

Báo cáo của các học giả Anuar Nugroho và Dimas Wisnu Adrianto cho biết giai đoạn đầu tiên (từ nay đến năm 2024) là di dời các khu hành chính chủ chốt trong đó có văn phòng Tổng thống. Giai đoạn hai (từ năm 2025 đến 2035) là phát triển nền tảng cho khu vực thủ đô, giai đoạn thứ ba (từ năm 2035 đến 2045) là phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tổng thể.

Theo học giả Nugroho và Adrianto, giai đoạn cuối cùng sẽ thiết lập danh tiếng của Nusantara là “Thành phố thế giới cho tất cả mọi người” và là “Siêu trung tâm kinh tế” nhờ tạo ra 4,8 triệu việc làm vào năm 2045.

Trên trang ibu kota negara, các kế hoạch của cho thủ đô mới rất ấn tượng: xây dựng các tòa nhà thân thiện với môi trường; phương tiện công cộng hoặc các phương thức di chuyển thân thiện với môi trường như đi bộ và xe đạp sẽ chiếm 80% hệ thống giao thông trong thành phố và tất cả các tiện ích quan trọng sẽ nằm cách trung tâm giao thông công cộng 10 phút di chuyển.

Cư dân tại tân thủ đô cũng sẽ được tiếp cận với không gian xanh cũng như các dịch vụ cộng đồng và xã hội cách nơi ở 10 phút  di chuyển. Tỷ lệ đói nghèo sẽ giảm xuống 0 vào năm 2035 và tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với hệ thống kết nối số.

Năng lượng tái tạo sẽ phục vụ toàn bộ nhu cầu năng lượng của thủ đô và Nusantara sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045, 60% chất thải của thủ đô sẽ được tái chế vào năm 2045 và 100% nước thải sẽ được xử lý bằng hệ thống quản lý nước của thành phố vào năm 2035.

Tuy nhiên, việc xây dựng một thành phố xanh rất tốn kém. Chi phí xây dựng thủ đô mới có trị giá ước tính hơn 34 tỷ USD. Theo kế hoạch, Indonesia sẽ lấy kinh phí từ vốn nhà nước và huy động từ nhà đầu tư.

Cơ hội và thách thức

Ông Bambang Susantono, cựu Bộ trưởng Giao thông Indonesia và là người đang lãnh đạo dự án phát triển thành phố thủ đô mới, tỏ ra lạc quan về nhiệm vụ di dời.

Đăng tải trên trang LinkedIn, ông Susantono cho biết việc xây dựng một thành phố mới từ đầu là một lợi thế, khi chính phủ có thể kiểm soát quy hoạch tổng thể, chất lượng kỹ thuật và áp dụng những công nghệ mới nhất.

Ông Susantono viết: “Tại Nusantara, chúng tôi nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu với 65% diện tích thành phố vẫn là rừng nhiệt đới. Nhờ đó, Nusantara sẽ là một ví dụ điển hình về cách các thành phố và quốc gia có thể ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, theo trang web chính thức của thủ đô (ibu kota negara), việc di dời thủ đô là một nhiệm vụ khó khăn dù các kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh đó, các nhà phê bình cũng không hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Susantono.

Cảnh ngật lụt tại Jakarta. (Ảnh:EPA)

Ông Edvin Aldrian, Giáo sư khí tượng và khí hậu tại Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ BPPT Indonesia, cho rằng việc có nên di chuyển thủ đô hay không là “một câu hỏi lớn” đối với nhiều người.

Giáo sư Aldrian lưu ý việc di dời sẽ không ngăn được sự gia tăng lượng mưa cũng như lũ lụt tại Jakarta hay Nusantara trong tương lai.

Ông Aldrian ước tính khoảng 40% diện tích Jakarta nằm dưới mực nước biển và phần phía bắc của thành phố đang chìm với tốc độ 4,9 cm mỗi năm.

Tình trạng sụt lún chủ yếu là do thành phố lấy đi nguồn nước ngầm từ các giếng nước. Lượng mưa lớn sẽ bổ sung cho các tầng nước ngầm và bồi đắp nền móng cho Jakarta, song sự trải rộng của đô thị tạo ra một ranh giới ngăn việc bổ sung nguồn nước cho các tầng nước ngầm, trong khi các đường phố thường xuyên ngập lụt.

Ông Aldrian nhắc lại cơn bão đêm giao thừa năm 2020 đã biến Jakarta thành một “bể bơi” chỉ trong vài giờ. Hơn nữa, trong khi thủ đô đang chìm xuống, mức nước biển lại dâng cao.

Những gì đã xảy ra ở Jakarta cũng diễn ra tại các siêu đô thị khác ở Nam và Đông Nam Á. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, các thành phố ven biển đang chìm nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới.

Nghiên cứu trên chỉ ra rằng Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, thành phố Yangon của Myanmar, thành phố cảng Chittagong của Bangladesh, thành phố Thiên Tân của Trung Quốc và thành phố Ahmedabad của Ấn Độ là 5 trong số những thành phố sụt lún nghiêm trọng nhất do gánh nặng dân số và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trà My