|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội

21:21 | 28/09/2023
Chia sẻ
Hồi tháng 6, CEO TikTok Shou Zi Chew đến Jakarta (Indonesia) và đưa ra cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á với trọng tâm là Indonesia - nơi TikTok có 125 triệu người dùng và cộng đồng nhà bán hàng đang lớn lên từng ngày. Tuy vậy, CEO TikTok sẽ không còn vui với động thái mới đây từ chính phủ Indonesia.

CEO TikTok Shou Zi Chew tại ghé thăm các nhà bán hàng trên nền tảng TikTok tại khu vực Đông Nam Á trong sự kiện công bố khoản đầu tư lên đến hàng tỷ USD cho khu vực, được TikTok tổ chức ở Jakarta (Indonesia). (Ảnh: Thành Vũ).

Hôm 27/9, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã chính thức cấm các giao dịch mua bán hàng hóa trên các nền tảng truyền thông xã hội, theo Reuters. Động thái này ảnh hưởng trực tiếp tới mảng thương mại điện tử đang lên như diều gặp gió của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.

Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan nói rằng quy định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức nhằm đảm bảo cạnh tranh kinh doanh “công bằng và chính đáng” cũng như giúp bảo vệ dữ liệu của người dùng.

Trước đó, một số nhà lập pháp địa phương đã phàn nàn về tác động của việc bùng nổ doanh số bán hàng trực tuyến của TikTok đối với 64 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của đất nước vạn đảo này. Nhiều doanh nghiệp trong số đó chưa tiếp cận được các hình thức bán hàng trực tuyến.

Phản ứng trước động thái nói trên, phía TikTok cho biết họ “quan ngại sâu sắc” về quy định này, đặc biệt là lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 6 triệu nhà bán hàng và gần 7 triệu người sáng tạo của TikTok Shop tại Indonesia.

TikTok cũng đã cố gắng xoa dịu nỗi lo sợ hàng hóa Trung Quốc giá rẻ có thể tràn ngập Indonesia, đồng thời cho biết họ không có kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Quy định mới ban hành cũng quy định mức giá tối thiểu là 100 USD cho một số hàng nhập khẩu nhất định. Đồng thời, áp dụng cho tất cả các nền tảng thương mại điện tử như Tokopedia, Shopee hay Lazada. 

Indonesia là chìa khóa cho hy vọng tăng doanh số thương mại điện tử của TikTok ở Đông Nam Á. Dù chỉ mới xuất hiện từ năm 2021, nền tảng TikTok Shop đã đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa lên tới 4,4 tỷ USD trong khu vực vào năm 2022. Theo Momentum Works, con số này có thể tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2023, trong đó Indonesia chiếm khoảng một nửa.

Hồi tháng 6, tại sự kiện do TikTok tổ chức ở Jakarta (Indonesia), CEO TikTok Shou Zi Chew đã tuyên bố họ sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới. Mặc dù, CEO TikTok không tiết lộ con số cụ thể của khoản đầu nhưng ông cho biết nền tảng nàu sẽ tập trung vào đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ các nhà bán hàng vừa và nhỏ muốn tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.

Thùy Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.