IMF: Kinh tế thế giới sẽ giảm phụ thuộc vào Anh và Mỹ
Nguồn: Bloomberg. |
IMF đã giữ dự báo về tăng trưởng toàn cầu không đổi so với dự đoán của IMF hồi tháng 4 trong báo cáo mới cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới được công bố vào thứ Hai (24/7) ở Kuala Lumpur. Theo đó, kinh tế thế giới sẽ tăng từ mức 3,2% năm 2016 lên 3,5% trong năm nay và 3,6% năm 2018.
Mặc dù vậy, nhân tố thúc đẩy sự phục hồi đã thay đổi, với kinh tế thế giới giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Anh, thay vào đó là Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Canada.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% trong năm nay và năm 2018, thống nhất với đánh giá hàng năm của tổ chức về nền kinh tế lớn nhất thế giới vào ngày 27/6. Trong triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 4, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2017 và 2018 lần lượt là 2,3% và 2,5%. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt 1,6%.
Đồng USD giảm xuống thấp nhất 14 tháng trong tuần trước. Nguyên nhân là vì cảm nhận của thị trường về khả năng triển khai chương trình kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm, sau khi dự luật chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa không được thông qua.
Trong khi đó, vì Anh phải trải qua tiến trình đàm phán Brexit, IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh 0,3 điểm phần trăm xuống 1,7% trong năm nay.
Ngoài ra, IMF nâng dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc lên 6,7% trong năm 2017, tăng 0,1 điểm phần trăm so với báo cáo triển vọng kinh thế thế giới công bố hồi tháng 4. Trong năm 2018, tăng trưởng của Trung Quốc được kỳ vọng tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo 3 tháng trước đó lên 6,4%.
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản cũng được điều chỉnh tăng so với tháng 4 lên 1,3% trong năm nay. Mặc dù vậy, IMF dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm còn 0,6% trong năm 2018, không đổi so với báo cáo hồi tháng 4.
Đối với khu vực châu Âu, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 1,9% trong năm nay, tăng từ mức 1,7% so với mức dự báo 3 tháng trước đó, và đạt 1,7% trong năm 2018, tăng từ mức 1,6%.
Theo IMF, Canada sẽ là quốc gia dẫn đầu trong nhóm G7 về tăng trưởng trong năm nay, đạt 2,5%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với tháng 4. Tuy nhiên, tổ chức giảm dự báo trong năm sau của Canada xuống 1,9%.
Trong ngắn hạn, IMF nhận định rủi ro toàn cầu là “cân bằng”, nhưng rủi ro có xu hướng giảm dần trong trung hạn.
Bên cạnh đó, tổ chức cũng cho rằng các chính sách tăng trưởng tín dụng và bảo hộ của Trung Quốc là những mối đe dọa cho tăng trưởng toàn cầu.
"Giá trị thị trường phong phú và sự biến động rất thấp trong một môi trường không chắc chắn về chính sách sẽ làm gia tăng khả năng điều chỉnh thị trường, điều có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng”, IMF cho biết.
IMF tranh luận, các nước phát triển với nhu cầu yếu và lạm phát thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa, trong khi cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương đang tăng chi phí vay mượn quá nhanh. Tổ chức cũng cho biết chủ nghĩa bảo hộ lan tràn, hay cuộc chạy đua trong việc giám sát tài chính và quy định sẽ khiến tình hình của tất cả các nước trở nên tệ hơn.