IMF hối thúc Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất
Trong cuộc họp đầu tháng 11, Fed đã quyết định giảm số lượng trái phiếu mua vào với tốc độ 15 tỷ USD mỗi tháng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới và lạm phát đang cao hơn mục tiêu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tốc độ này nên được đẩy nhanh, theo CNBC.
IMF nhận thấy nền kinh tế Mỹ đang có nhiều cơ sở để thắt chắt chính sách tiền tệ với GDP gần đạt với xu hướng trước đại dịch, thị trường lao động cải thiện và quan trọng nhất là áp lực lạm phát đang xuất hiện trên diện rộng.
"Điều này đang đặt rủi ro lạm phát thậm chí lớn hơn so với một số nền kinh tế tiên tiến khác, bao gồm cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Do đó, sẽ là thích hợp để Fed tăng tốc độ giảm mua tài sản và đẩy sớm lộ trình tăng lãi suất", IMF cho biết trong một bài đăng trên blog.
Phát biểu vào đầu tuần này, Chủ tịch Jerome Powell cũng cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ và điều này có thể sẽ được thảo luận tại một cuộc họp trong tháng 12.
Dữ liệu công bố mới đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, chạm mức cao nhất trong 30 năm.
Tuy nhiên, khi nhắc đến việc tăng lãi suất, Fed đã nói rằng các nhà đầu tư trên thị trường không nên coi việc giảm bơm tiền là dấu hiệu của một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra.
Trong bối cảnh này, IMF đang yêu cầu các ngân hàng trung ương, không chỉ Fed, thông báo kế hoạch thặt chặt chính sách tiền tệ của họ một cách rõ ràng.
IMF cho biết: "Điều cần thiết là các ngân hàng trung ương lớn phải thông báo kỹ lưỡng các hành động chính sách của họ để không gây ra một cơn hoảng loạn trên các thị trường, vốn có những tác động xấu không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài".
Dù vậy, không phải ai cũng tin rằng các ngân hàng trung ương nên đẩy nhanh chính sách diều hâu.
Đơn cử như bà Anne Richards, Giám đốc điều hành của Fidelity International, mới đây đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không nên hành động vội vàng và có thể đợi một trong hai tháng nữa khi các dữ liệu kinh tế được công bố đầy đủ hơn.