IMF cảnh báo tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu kéo dài
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, trong năm 2021, những hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023.
Báo cáo của IMF cho rằng nếu không có những quy định hạn chế nhằm phòng ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm ngoái có thể sẽ tăng thêm khoảng 2 điểm %.
Con số này tương đương "khoảng 1 năm tăng trưởng ở mức trung bình của nhiều nền kinh tế châu Âu trước khi đại dịch bùng phát". Trong khi đó, sản lượng sản xuất trong khu vực đồng euro có thể đạt mức 6% nếu như không có những rắc rối về nguồn cung.
Giới chức IMF đánh giá mặc dù nhiều dự báo cho rằng các quy định hạn chế phòng dịch COVID-19 sẽ được nới lỏng trong năm nay, tuy nhiên sự lây lan của biến thể Omicron đã mang tới "sự bất ổn mới".
Báo cáo của IMF nêu rõ: "Châu Âu và Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới và qua đó sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn về nguồn cung. Nhìn chung, sự gián đoạn nguồn cung có thể còn kéo dài lâu nữa, có thể là tới năm 2023".
Báo cáo của IMF cho rằng đại dịch COVID-19 gây ra 40% sự gián đoạn về nguồn cung. Tuy vậy, IMF cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp "có thể có ảnh hưởng dai dẳng hơn đến nguồn cung và lạm phát hơn là việc các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động".
IMF kêu gọi giải quyết "các nút thắt nguồn cung một cách trực tiếp bằng việc ra các quy định cụ thể, trong đó bao gồm cả việc mở rộng giờ hoạt động tại các cảng, đẩy nhanh các giấy phép cần thiết cho các hoạt động vận tải và hậu cần và thúc đẩy nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động".
Báo cáo của IMF cũng cho biết các biện pháp chi tiêu có thể được sử dụng để giúp giải quyết tình hình song "việc hỗ trợ nên có trọng điểm hơn". Theo IMF, các chính sách áp dụng quá rộng rãi có thể thúc đẩy nhu cầu và gây ra nhiều nút thắt về nguồn cung hơn, cũng như khiến tình trạng lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.
Báo cáo của IMF nêu rõ: "Các biện pháp quản lý và tài khóa có mục tiêu càng thành công trong việc giảm bớt các nút thắt nguồn cung, thì sẽ càng giảm thiểu khả năng các nhà hoạch định chính sách buộc phải giảm tổng cầu và tăng trưởng kinh tế để kiềm chế lạm phát".