IEA: Mỹ sẽ đóng góp 80% vào tăng trưởng sản lượng dầu mỏ toàn cầu trong 10 năm tới
Một nhà máy lọc dầu của tập đoàn Tesoro tại California, Mỹ. Nguồn: Lucy Nicholson/Reuters. |
“Điều này sẽ tác động đến thị trường, giá cả, hoạt động giao dịch, xu hướng đầu tư và tình hình địa chính trị trong ngành năng lượng”, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu diễn ra từ ngày 6 – 17/11 tại thành phố Bonn, Đức.
Ông cũng cho biết Mỹ, quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí phát triển vượt bậc với công nghệ nứt vỡ thủy lực (fracking technology), sẽ trở thành nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt số một thế giới.
Ở quy mô lớn hơn, ông Birol cho biết IEA kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng trong năm 2018 nếu nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay, đồng thời Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác tiếp tục giảm sản lượng.
Trong báo cáo tháng gần nhất, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2017 và 2018 lần lượt còn 1,5 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng ngày, giảm khoảng 100 nghìn thùng/ngày.
Cơ quan này cũng cho biết kho dầu dự trữ tại các quốc gia phát triển đã giảm 40 triệu thùng trong tháng 9, xuống dưới ngưỡng 3 tỷ thùng lần đầu tiên trong 2 năm qua.
Theo số liệu của OPEC, kho dầu dự trữ trong tháng 9 vần còn cao hơn mức trung bình 5 năm 154 triệu thùng. Các quốc gia thành viên OPEC trước đó cho biết muốn giảm kho dầu dự trữ về mức trung bình 5 năm.