|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IEA: Đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm kỉ lục trong năm 2020

07:40 | 16/04/2020
Chia sẻ
Ngày 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ xóa đi gần một thập kỉ tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2020, khi mà nhiều nước trên khắp thế giới phải tạm ngừng hoạt động kinh tế để đối với dịch bệnh.
IEA: Đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm kỉ lục trong năm 2020 - Ảnh 1.

Công nhân của hãng Surgutneftegas đang quan sát các máy bơm tại lưu vực Tây Siberia. Ảnh: Getty Images

Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng hiện tại đã buộc chính phủ nhiều nước phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để bảo vệ sinh mạng của hàng tỉ người dân. Các lệnh phong tỏa qui mô lớn được ban bố tại 187 quốc gia/vùng lãnh thổ đã tạo ra cú sốc nhu cầu chưa từng có trên thị trường năng lượng, khiến tình hình ngày càng thêm bế tắc.

"Ngay cả khi giả định rằng các lệnh hạn chế di chuyển sẽ được nới lỏng trong nửa cuối năm nay, chúng tôi vẫn dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019, xóa sạch gần một thập kỉ tăng trưởng", CNBC dẫn lời IEA cảnh báo.

Trong bản báo cáo hàng tháng được mong chờ, cơ quan có trụ sở tại Paris trên cho biết nhu cầu năng lượng trong tháng 4 dự kiến giảm 29 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái, chạm mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1995.

Trong quí II năm nay, nhu cầu dầu mỏ được dự báo sẽ giảm 23,1 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái.

Mặc dù nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ trên đà phục hồi vào nửa cuối năm nay, IEA nhận định nhu cầu dầu mỏ sẽ chỉ tăng dần dần và đến tháng 12, nhu cầu vẫn sẽ thấp hơn cùng kì năm ngoái 2,7 triệu thùng/ngày.

Theo CNBC, giá dầu thô có giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày 15/4 và đã nhanh chóng nới dài đà sụt giảm sau khi báo cáo của IEA được công bố.

Thỏa thuận của OPEC+ chỉ mới vực dậy ngành dầu mỏ từ vực thẳm

Dự báo của IEA xuất hiện không lâu sau khi OPEC và các đồng minh (thường gọi là OPEC+) đạt được thỏa thuận giảm sản lượng kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày.

Theo thỏa thuận mới, Mexico sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày như ban đầu được yêu cầu.

Quá trình giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục giảm thêm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và giảm thêm 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1/2021 - 4/2022.

Ban đầu vào ngày 9/4, liên minh OPEC+ đề xuất giảm 10 triệu thùng/ngày - tương đương 10% nguồn cung dầu thô toàn cầu, nhưng Mexico đã phản đối hạn mức cắt giảm được giao, khiến thỏa thuận rơi vào bế tắc.

"Quyết định lịch sử của OPEC+ và G20 đã đưa ngành công nghiệp dầu mỏ từ vực thẳm trở về", IEA bình luận.

"Dù vậy, lượng tồn kho đến 12 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm vẫn đe dọa sẽ làm quá tải hệ thống logistics (gồm tàu chở dầu, đường ống và bể chứa) của ngành công nghiệp năng lượng trong vài tuần tới", IEA nói thêm.

IEA cho biết họ được khích lệ tinh thần bởi "sự đoàn kết" mà các nhà hoạch định chính sách từ các nước sản xuất cũng như tiêu thụ dầu mỏ thể hiện, tuy nhiên cơ quan năng lượng này vẫn cảnh báo rằng "còn rất lâu trước khi ngành công nghiệp năng lượng có thể bỏ lại cuộc khủng hoảng COVID-19 ở phía sau".

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.