|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IEA bắt đầu đàm phán với Ấn Độ về việc trở thành thành viên chính thức

20:15 | 15/02/2024
Chia sẻ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/2 cho biết bộ trưởng của các nước thành viên IEA đã bắt đầu đàm phán với Ấn Độ về việc nước này nộp đơn xin trở thành thành viên chính thức của cơ quan gồm 31 quốc gia có trụ sở tại Paris (Pháp).

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp cấp bộ trưởng năm 2024 của IEA tại Paris, cơ quan này cho biết các cuộc đàm phán với Ấn Độ là nhằm ghi nhận “tầm quan trọng chiến lược” của nước này trong việc giải quyết những thách thức về năng lượng và khí hậu toàn cầu. 

Tuyên bố cho biết thêm “cuộc họp cấp bộ trưởng này đã trao cho IEA một nhiệm vụ quan trọng là tăng cường hợp tác với các nền kinh tế mới nổi lớn. Điều này bao gồm việc bắt đầu thảo luận với Ấn Độ về yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ của IEA”. Trong cuộc họp, “các bộ trưởng đã công nhận ‘tầm quan trọng chiến lược’ của Ấn Độ trong việc giải quyết các thách thức về năng lượng và khí hậu toàn cầu”. 

Ấn Độ, quốc gia gia nhập IEA với tư cách thành viên liên kết vào năm 2017, đã chính thức gửi yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ vào tháng 10/2023. Năm 2021, Ấn Độ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với IEA nhằm tăng cường hợp tác về an ninh, ổn định và bền vững năng lượng toàn cầu. 

Một trong những tiêu chí để trở thành thành viên chính thức của IEA là các ứng cử viên phải có trữ lượng dầu thô hoặc sản phẩm từ dầu thô tương đương lượng nhập khẩu ròng trong 90 ngày của năm trước, mà chính phủ có quyền can thiệp ngay cả khi họ không trực tiếp sở hữu chúng, và có thể được sử dụng để giải quyết sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu trên toàn cầu. 

Dự trữ dầu chiến lược hiện tại của Ấn Độ tương đương 9,5 ngày so với yêu cầu và cùng với việc lưu trữ tại các nhà máy lọc dầu và kho chứa, nước này duy trì lượng dự trữ tương đương với yêu cầu 66 ngày. 

Cùng ngày 14/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi thông điệp được ghi âm tới cuộc họp cấp bộ trưởng của IEA, trong đó ông nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn rằng IEA sẽ được hưởng lợi khi Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong tổ chức này”. Lưu ý rằng Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ông Modi cho biết tăng trưởng bền vững cần có an ninh năng lượng và tính bền vững. 

Ông nêu rõ: "Trong một thập kỷ, chúng tôi đã đi từ nền kinh tế lớn thứ 11 lên nền kinh tế lớn thứ 5. Trong cùng thời gian đó, công suất năng lượng Mặt Trời của chúng tôi đã tăng gấp 26 lần. Công suất năng lượng tái tạo của chúng tôi cũng tăng gấp đôi. Chúng tôi đã vượt cam kết Paris về vấn đề này, trước thời hạn.

Chúng tôi cam kết kiên quyết chống biến đổi khí hậu”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh cách tiếp cận chủ động của Ấn Độ trong các sáng kiến hàng đầu như Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế và Mission LiFE, tập trung vào các lựa chọn lối sống ủng hộ hành tinh.

Ông cảm ơn IEA đã hỗ trợ các sáng kiến như Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu được đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ.

Ngọc Thúy (P/v TTXVN tại New Delhi)

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.