|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 6,2% trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023

07:05 | 12/06/2023
Chia sẻ
Trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6,2% (4,77 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 72,2 triệu bao. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ cà phê arabica, trong khi robusta duy trì mức tăng nhẹ.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục giảm

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 4 năm nay xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt hơn 10,1 triệu bao, giảm 2,6% so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/4/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6,2% (4,77 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 72,2 triệu bao. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4/2023, xuất khẩu cà phê arabica đạt tổng cộng 75,2 triệu bao, giảm 9,6% so với năm trước; trong khi xuất khẩu robusta đạt 48,5 triệu bao, giảm 1%.

Chỉ tính riêng cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu với 9,2 triệu bao trong tháng 4, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đây đã là tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp của xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu kể từ đầu niên vụ 2022-2023. Do đó, tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu chỉ đạt 64,9 triệu bao, giảm 6,4% so với niên vụ trước.

Trong 7 tháng qua, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Brazil giảm 9% xuống còn 21 triệu bao; arabica khác giảm 13,8% xuống 11,2 triệu bao; arabica Colombia giảm 15,3% xuống 6,3 triệu bao. Riêng robusta tăng lên 26,4 triệu bao so với 25,8 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (Tháng 10/2022 đến tháng 4/2023)

 Nguồn: ICO 

Với kết quả này, tỷ trọng cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên mức 40,6% từ mức 37,2% của niên vụ trước. Đây cũng là tỷ trọng cao nhất của robusta trong cơ cấu cà phê nhân xuất khẩu trong những niên vụ gần đây. Trái lại, tỷ trọng của arabica giảm từ 62,8% xuống còn 59,4%.

Tỷ trong của cà phê arabica và robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân thế giới

   Nguồn: ICO  

Xuất khẩu cà phê hòa tan cũng giảm 3,7% trong tháng 4 xuống còn 0,87 triệu bao. Lũy kế 7 tháng đầu niên vụ, tổng cộng 6,8 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu, giảm 4,3% so với 7,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ cà phê trước.

Xét về tỷ trọng, cà phê hòa tan chiếm 9,4% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tăng nhẹ so với 9,1% của tháng 4/2022. Brazil hiện là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với khối lượng 0,34 triệu bao trong tháng 4.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê rang xay trong tháng 4 bất ngờ tăng mạnh 38,6% lên 72.925 bao. Mặc dù vậy, từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 xuất khẩu cà phê rang xay giảm nhẹ xuống 0,44 triệu bao, so với 0,45 triệu bao của cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu các chủng loại cà phê trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (Nguồn: ICO) 

Nguồn: ICO

Sụt giảm ở hầu hết nhà cung cấp

Xuất khẩu cà phê ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các nhà cung cấp. Với khu vực Nam Mỹ đã giảm 6,4% xuống còn gần 3,6 triệu bao trong tháng 4, chủ yếu do ba quốc gia sản xuất chính của khu vực là Brazil, Colombia và Peru có tổng khối lượng xuất khẩu giảm 17,9%.

Trong đó, Brazil và Colombia sụt giảm 2,5% và 14,8%, xuống còn 2,7 triệu bao và 0,7 triệu bao. Tại Colombia, thời tiết bất lợi đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu cà phê của nước này, sản lượng cà phê của Colombia đã giảm 6% trong tháng 4 vừa qua.

Peru tiếp tục chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh 62,5% trong tháng 4 vừa qua do thời tiết bất lợi và tình hình chính trị bất ổn tại các khu vực sản xuất chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xuất khẩu của nước này. 

Tương tự, xuất khẩu cà phê các loại từ châu Phi đã giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 0,9 triệu bao trong tháng 4. Lũy kế 7 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê của châu Phi đạt 6,9 triệu bao, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, các nước xuất khẩu chính của khu vực châu Phi như Ethiopia, Kenya và Uganda sụt giảm lần lượt là 17,6%, 25,8% và 8,4%.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda cho biết, tác động của hạn hán vào đầu niên vụ hiện tại cùng với việc xuất khẩu sang Sudan thấp hơn là những lý do khiến xuất khẩu cà phê của nước này giảm. Còn tại Ethiopia, tranh chấp hợp đồng phát sinh do chênh lệch giá thu mua trong nước và giá thế giới đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê trong những tháng đầu năm 2023. Các nhà xuất khẩu đang giữ lại cà phê cho đến khi các tranh chấp được giải quyết.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 7 tháng đầu niên vụ 2022-2023

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê từ khu vực Trung Mỹ và Mexico trong tháng 4 tăng 6,3% lên 1,9 triệu bao. Trong đó, Costa Rica, Honduras và Nicaragua tăng trưởng lần lượt là 27%, 13% và 11,2%. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 4% xuống còn 8,01 triệu bao.

Còn tại châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu cà phê của khu vực đã giảm 1% xuống còn hơn 3,7 triệu bao trong tháng 4/2023. Tuy nhiên tính chung 7 tháng vẫn tăng 1,1% lên 27,5 triệu bao. Đây cũng là khu vực duy nhất có khối lượng xuất khẩu tăng tính đến thời điểm này của niên vụ 2022-2023.

Trong tháng 4, xuất khẩu của Indonesia giảm mạnh 24,6% vượt xa mức tăng trưởng dương 3,1% của Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của khu vực.

Xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại tăng 6,7% lên 19,18 triệu bao từ 17,97 triệu bao của cùng kỳ, chủ yếu là do sản lượng nội địa tăng 14,9% trong niên vụ 2021-2022 và những khó khăn về nguồn cung mà các nhà sản xuất cà phê robusta lớn khác gặp phải.

Cùng quãng thời gian kể trên, xuất khẩu cà phê robusta của Brazil trong cùng thời gian đã giảm 36,1%, Ấn Độ giảm 31,1% và Uganda giảm 6,2%. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Indonesia dường như bị ảnh hưởng tiêu cực do sản lượng giảm, ước tính đã giảm 4,7% trong niên vụ 2021-2022.

Hoàng Hiệp