|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Thế giới có thể thặng dư 1 triệu bao cà phê trong niên vụ 2023-2024

16:53 | 11/12/2023
Chia sẻ
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 tăng 5,8% lên mức 178 triệu bao, trong khi tiêu thụ tăng 2,2% lên 177 triệu bao. Như vậy, cán cân cung - cầu cà phê niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ thặng dư khoảng 1 triệu bao.

Sản lượng và tiêu thụ cà phê thế giới dự báo tăng

Trong báo cáo mới đây, ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao, trong đó sản lượng arabica tăng 8,7% lên 102,2 triệu bao và robusta tăng 2,2% lên 75,8 triệu bao.

Hiệu ứng sản xuất hai năm một lần sẽ đóng vai trò quan trọng trong triển vọng vụ mùa 2023-2024, đặc biệt là tại Brazil, nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới do sản lượng tiếp tục phục hồi sau tác động của đợt sương giá vào tháng 7/2021.

Mặc dù vậy, điều kiện thời tiết bất lợi, lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 2022 và tiếp tục kéo dài đến năm 2023, sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng niên vụ cà phê 2023-2024. Hiện tượng El Niño được dự đoán sẽ làm giảm triển vọng nguồn cung ở khu vực châu Á, đặc biệt là tại Indonesia. Trong khi đó, hệ thống tưới tiêu giúp Việt Nam giảm thiểu được các tác động của lượng mưa giảm và thời tiết khô nóng hơn.

Tiêu thụ cà phê thế giới cũng được dự báo sẽ tăng 2,2% lên 177 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. Trong đó, các nước không sản xuất sẽ đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung, với tăng trưởng dự kiến khoảng 2,1%.

Triển vọng tiêu thụ cà phê thế giới trong vụ 2023-2024 được xây dựng dựa trên giả định rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 3% và những phản ứng tích cực trước tình trạng tồn kho giảm mạnh.

Như vậy, sau hai niên vụ thâm hụt niên tiếp, cán cân cung - cầu cà phê niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ thặng dư khoảng 1 triệu bao.

Cung - cầu cà phê thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến 2023-2024

   Nguồn: ICO  

Đánh giá về niên vụ 2022-2023 vừa kết thúc, ICO cho biết, sản lượng cà phê thế giới gần như không thay đổi trong niên vụ 2022-2023 khi chỉ tăng 0,1% và đạt 168,2 triệu bao.

Tốc độ tăng trưởng trì trệ này đi ngược lại những thay đổi lớn ở cấp độ khu vực, với xu hướng mở rộng tại châu Mỹ và thu hẹp trong phần còn lại của thế giới.

Sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương đã giảm 4,7% trong niên vụ vừa qua xuống còn 49,8 triệu bao, khu vực châu Phi giảm 7,2% xuống 17,9 triệu bao, chủ yếu là do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất chính trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Bờ Biển Ngà và Uganda.

Mức độ sụt giảm sản lượng của hai khu vực này được bù đắp bởi sự gia tăng của khu vực châu Mỹ, đặc biệt là Nam Mỹ tăng 4,8% nhờ sản lượng của Brazil tăng 8,4% do được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần. Tổng sản lượng của châu Mỹ trong niên vụ 2022-2023 là 100,5 triệu bao.

Sự đối lập giữa châu Mỹ và phần còn lại của thế giới cũng được phản ánh trong sản lượng cà phê arabica và robusta, với sản lượng arabica tăng 1,8% lên 94 triệu bao trong khi robusta giảm 2% xuống 74,2 triệu bao.

Tiêu thụ cà phê thế giới được kỳ vọng cải thiện nhẹ trong niên vụ 2022-2023, nhưng thực tế đã giảm 2% xuống 173,1 triệu bao do ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt tăng cao, thu nhập khả dụng giảm và tồn kho giảm kéo dài.

Tỷ lệ lạm phát thế giới ở mức cao nhất vào năm 2021 là 9,4%, trong khi lãi suất chuẩn đạt trung bình 4,9% vào cuối tháng 9/2023 tại Liên minh Châu Âu, Anh và Mỹ, cao nhất kể từ sau mức 5,8% được ghi nhận vào năm 2000.

Đồng thời, tồn kho giảm mạnh trong niên vụ vừa qua. Báo cáo của Liên đoàn Cà phê Châu Âu và tồn kho tại các kho của Sàn giao dịch Liên lục địa ở Mỹ cho thấy, tồn kho cà phê thế giới đã giảm 4,8 triệu bao, từ 14,5 triệu bao xuống chỉ còn 9,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Việc đẩy mạnh sử dụng tồn kho làm giảm nhu cầu mua hàng trên thị trường quốc tế và kéo giá cà phê xuống thấp hơn, đây cũng là yếu tố khiến tỷ lệ tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm bất thường trong năm 2022-2023.

Vào thời điểm giá cao, người tiêu dùng có thể quyết định uống cà phê tại nhà thay vì ở cửa hàng, hoặc chọn cà phê uống liền thay vì cà phê đã xay. Bên cạnh đó, cà phê arabica có giá cao hơn cũng được thay thế bằng robusta có giá thấp hơn. ICO cũng cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong niên vụ 2023-2024.

Giá cà phê thế giới khởi sắc trở lại

Trong tháng 11, giá cà phê thế giới được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 161,5 US cent/pound (dao động 153,3 - 170 US cent/pound).

Xét theo các nhóm cà phê, arabica Brazil có mức tăng mạnh nhất, tăng tới 8,8% lên mức trung bình 169,2 US cent/pound. Giá arabica Colombia và arabica khác cũng tăng 5,3% và 7,2%, đạt lần lượt 195,8 US cent/pound và 197,2 US cent/pound.

Ngoài ra, giá cà phê robusta tăng 3,2% so với tháng trước lên 122,6 US cent/pound.

Trên thị trường New York, giá cà phê arabica tại sàn ICE đã tăng 9,2% trong tháng vừa qua lên 170,2 US cent/pound, trong khi robusta trên sàn giao dịch London tăng 4,8% lên 110,4 US cent/pound.

Chênh lệch giá giữa hai sàn kỳ hạn London và New York theo đó đã tăng 18,4% lên 59,8 US cent/pound trong tháng 11.

Diễn biến giá của các nhóm cà phê từ tháng 10/2021 đến tháng 11/2023

 Nguồn: ICO 

Tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn New York và London tiếp tục theo quỹ đạo đi xuống. Trong đó, tồn kho cà phê robusta trên sàn London giảm sâu 49,2% so với tháng trước xuống chỉ còn 0,34 triệu bao (loại 60 kg), con số thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2014. Tồn kho cà phê arabica được chứng nhận cũng giảm tới 24,5% xuống mức 0,32 triệu bao.

Tồn kho cà phê thế giới đến tháng 11/2023

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê nhân giảm, trong khi cà phê hòa tan tăng mạnh

Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê thế giới đạt 9,5 triệu bao trong tháng 10, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh chiếm 90,5% tỷ trọng với 8,6 triệu bao, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ cà phê robusta, một trong những nhóm cà phê khởi đầu niên vụ 2023-2024 với mức tăng trưởng âm.

Trong tháng đầu tiên của niên vụ mới, xuất khẩu cà phê robusta toàn cầu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2,9 triệu bao. Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới chỉ xuất khẩu 0,7 triệu bao trong tháng vừa qua, giảm tới 45,2% so với cùng kỳ do tồn kho cạn kiệt.

Ngược lại, nhóm cà phê arabica Brazil đã có một khởi đầu mạnh mẽ với khối lượng xuất khẩu tăng 10% lên hơn 4 triệu bao. Đây cũng là con số cao nhất ghi nhận được của nhóm cà phê này, vượt qua kỷ lục 3,9 triệu bao đạt được vào tháng 10/2020.

Đà tăng này phần lớn đến từ Brazil khi nhà cung cấp cà phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 4,1 triệu bao cà phê nhân xanh trong tháng 10, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê arabica Colombia trong tháng 10 cũng tăng nhẹ 0,2% lên hơn 1 triệu bao. Sự khởi đầu chậm chạp này là do xuất khẩu tiếp tục trì trệ ở Colombia và chỉ được bù đắp phần nào bởi sự gia tăng tại Kenya và Tanzania.

Xuất khẩu nhóm arabica khác giảm 1,8% xuống 1,6 triệu bao trong tháng 10. Trong đó, xuất khẩu từ Brazil giảm 66,2%; Papua New Guinea giảm 34,3%; trong khi Honduras có đóng góp tích cực nhất với mức tăng 28,9%.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong tháng 10 giai đoạn 2020 - 2023

 Nguồn: ICO 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan trong tháng 10/2023 bất ngờ tăng mạnh 16,9% lên 0,9 triệu bao. Tỷ trọng của mặt hàng này trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 10,6% từ 9% của cùng kỳ năm trước. Nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới là Brazil đã vận chuyển 0,3 triệu bao ra thị trường quốc tế trong tháng vừa qua.

Còn với cà phê đã rang, xuất khẩu chủng loại cà phê này đã giảm tới 20,4% trong tháng 10, xuống còn 49.185 bao.

Tỷ trọng các loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong tháng 10 giai đoạn 2020 - 2023

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê có sự phân hóa giữa các khu vực

Trong tháng đầu tiên của niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực Nam Mỹ đã tăng 16,4% lên hơn 5,9 triệu bao. Brazil là động lực chính cho mức tăng trưởng hai con số của khu vực, khi xuất khẩu 4,4 triệu bao vào tháng 10, tăng 21,7% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tương tự, xuất khẩu của Peru cũng tăng tới 28,9% lên 0,6 triệu bao.

Trong khi đó, xuất khẩu từ khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 26,7% xuống chỉ còn hơn 2 triệu bao trong tháng 10.

Việt Nam - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt mạnh của khu vực, với tổng xuất khẩu giảm 44,7% xuống 0,75 triệu bao. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008.

Sự thiếu hụt nguyên liệu xuất khẩu ở Việt Nam do vụ thu hoạch cà phê 2022-2023 thấp hơn dự kiến, nguồn cung chậm trễ từ vụ thu hoạch hiện tại và xuất khẩu rất mạnh trong 9 tháng đầu năm cà phê trước đó là những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh này.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong tháng 10 giai đoạn 2020 - 2023

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê từ châu Phi cũng giảm 1% xuống 1,1 triệu bao trong tháng 10. Tại khu vực, xuất khẩu ghi nhận giảm ở các nước như Ethiopia (–13,5%), Rwanda (–34,8%) và Cameroon (–57,4%), trong khi đà tăng được nhìn thấy ở Burundi (+200%), Bờ Biển Ngà (+40,9%), Kenya (+31,4%) và Uganda (+2,8%).

Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda, kết quả xuất khẩu đầy hứa hẹn trong tháng 10 đến từ nguồn cung trong vụ thu hoạch bội thu ở khu vực Tây Nam nước này và giá cả tương đối tốt đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu giải phóng lượng tồn kho.

Tại Ethiopia, tranh chấp hợp đồng phát sinh do sự chênh lệch giữa giá thu mua trong nước và giá thị trường toàn cầu, lần đầu tiên được báo cáo vào giữa niên vụ cà phê 2022-2023, tiếp tục tác động tiêu cực đến khối lượng xuất khẩu trong niên vụ mới.

Còn tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực đã tăng nhẹ 0,4% lên hơn 0,4 triệu bao. Mặc dù vậy, nếu xét riêng từng nước trong khu vực lại có sự biến động mạnh, với xu hướng tăng ở Costa Rica (+212,7%), El Salvador (+69,6%), Guatemala (+18%) và Nicaragua (+15,6%), nhưng giảm ở Cộng hòa Dominica (–80,1%) , Honduras (–39,2%) và Mexico (–11,1%)…

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Hiệp

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.