ICO: Sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2020 - 2021 dự báo tăng 1,9%
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12/2020 đạt 10,97 triệu bao, tăng 1,5% so với tháng 12/2019.
Xuất khẩu cà phê trong ba tháng đầu niên vụ 2020 - 2021 đạt 31,59 triệu bao, cao hơn 6,1% so với giai đoạn tháng 10 - tháng 12/2019. Trong đó, xuất khẩu arabica tăng 14,1% lên 20,95 triệu bao và xuất khẩu robusta giảm 6,8% xuống 10,64 triệu bao.
Trong niên vụ 2019 - 2020 sản lượng cà phê toàn cầu ước tính đạt 168,68 triệu bao, thấp hơn 0,9% so với niên vụ trước do sản lượng cà phê arabica từ Brazil sụt giảm. Niên vụ 2020 - 2021, sản lượng cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 1,9% lên 171,9 triệu bao.
Sản lượng arabica niên vụ 2020 - 2021 ước tính tăng 5,2% lên 101,88 triệu bao, được hỗ trợ bởi sự gia tăng sản lượng arabica từ Brazil do nước này bước vào chu kỳ sản xuất hai năm một lần, cũng như sự tăng trưởng từ các nước sản xuất arabica lớn khác như Colombia.
Tuy nhiên, sản lượng robusta dự kiến sẽ giảm 2,6% xuống 70,02 triệu bao, phần lớn do sản lượng từ Việt Nam giảm.
Sau khi tăng 0,5% lên 18,68 triệu bao vào niên vụ 2019 - 2020, sản lượng của châu Phi niên vụ 2020 - 2021 dự kiến sẽ giảm 0,8% xuống 18,54 triệu bao.
Ethiopia là nước sản xuất cà phê lớn thứ năm thế giới và lớn nhất tại châu Phi. Trong niên vụ 2020 - 2021, sản lượng cà phê nước này dự kiến tăng 0,4% lên 7,38 triệu bao do lượng mưa tăng và gia tăng sản xuất.
Uganda là nước sản xuất lớn thứ hai khu vực và sản lượng niên vụ 2020 - 2021 dự báo sẽ tăng 2% lên 5,62 triệu bao - tăng năm thứ ba liên tiếp nhờ cây trồng mới được đưa vào sản xuất và thời tiết thuận lợi.
Sản lượng tại Côte d'Ivoire, nước sản xuất lớn thứ ba trong khu vực, ước tính giảm 8% xuống còn 1,78 triệu bao.
Sản lượng từ Châu Á và Châu Đại Dương ước tính sẽ giảm 0,4% xuống còn 49,27 triệu bao vào niên vụ 2020 - 2021.
Tại Việt Nam, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới và lớn nhất khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, dự kiến giảm 4,9% xuống 29 triệu bao. Do lượng mưa và giá cà phê thấp, nông dân ít đầu tư vào cà phê, khiến sản lượng giảm.
Tuy nhiên, sản lượng từ Indonesia ước tính tăng 5,1% lên 12,27 triệu bao và xuất khẩu của nước này trong chín tháng đầu niên vụ 2020 - 2021 tăng 11,2% lên 5,54 triệu bao.
Sau khi giảm 19,4% trong ba năm qua, sản lượng từ Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 14,7% lên 5,7 triệu bao do lượng mưa tăng.
Sau khi giảm trong hai niên vụ trước, sản lượng ở Trung Mỹ và Mexico được dự báo sẽ vẫn ổn định ở mức 19,54 triệu bao vào niên vụ 2020 - 2021.
Vào đầu năm, các vùng sản xuất cà phê trong khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cơn bão Iota và Eta.
Honduras là nhà sản xuất lớn nhất trong khu vực và sản lượng của nước này ước tính tăng 2,8% lên 6,1 triệu bao, sau khi giảm 21,5% trong hai niên vụ trước.
Để khuyến khích sản xuất, Chính phủ Honduras đã cung cấp phân bón cho nông dân và thời tiết thuận lợi trong năm nay dự kiến sẽ giúp tăng năng suất.
Sản lượng của Mexico dự báo tăng 0,8% lên 4 triệu bao. Sản lượng ở Guatemala ước tính tăng 4% lên 3,75 triệu bao.
Bên cạnh đó, sản lượng ở Nam Mỹ được dự đoán sẽ tăng 4,4% lên 84,54 triệu bao vào niên vụ 2020 - 2021, chiếm 49,2% sản lượng toàn cầu.
Sản lượng của Brazil ước tính tăng 12,5% lên 69,58 triệu bao. Năm nay Brazil bước vào năm được mùa của cà phê arabica trong chu kỳ sản xuất hai năm một lần và thời tiết thuận lợi đã giúp thúc đẩy sản lượng.
Xuất khẩu của nước này trong 9 tháng đầu niên vụ ước tính đạt 34,53 triệu bao, cao hơn 13,1% so với niên vụ 2019 - 2020 và cao hơn 24,6% so với niên vụ 2018 - 2019. Sản lượng của Colombia dự kiến sẽ tăng 1,4% lên 14,3 triệu bao.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm trong niên vụ 2019 - 2020
Sau khi tăng 4,4% lên 168,49 triệu bao trong niên vụ 2018 - 2019, tiêu thụ cà phê toàn cầu ước tính đã giảm 2,4% xuống 164,53 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020.
Nhu cầu cà phê toàn cầu giảm bắt nguồn từ sự suy thoái kinh tế cùng với sự sụt giảm mạnh trong tiêu dùng tại nhà do các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa được áp dụng để phòng tránh dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia.
Trong niên vụ 2020 - 2021, nhu cầu cà phê toàn cầu dự kiến sẽ khó phục hồi do các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được áp dụng và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.
Tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến tăng nhẹ 1,3% lên 166,63 triệu bao. Tiêu thụ ở Châu Phi ước tính tăng 1,8% lên 12,24 triệu bao, khu vực Châu Á và Châu Đại Dương tăng 1,4% lên 36,5 triệu bao và khu vực Trung Mỹ và Mexico tăng 0,2% lên 5,36 triệu bao.
Nhu cầu cà phê ở châu Âu được dự báo sẽ tăng 1,2% lên 54,35 triệu bao. Tiêu thụ cà phê của Bắc Mỹ được ước tính tăng 1,4% lên 30,99 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở Nam Mỹ dự kiến sẽ tăng 1% lên 27,18 triệu bao.
Sản lượng cà phê toàn cầu tăng trong khi tiêu thụ bị hạn chế dẫn đến thặng dư dự kiến là 5,27 triệu bao vào cuối niên vụ 2020 - 2021.
Nguồn cung khan hiếm vào đầu năm, một phần do việc thu hoạch bị đình trệ cũng như lo ngại về tác động từ các cơn bão Eta và Iota đã giúp đẩy giá lên trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, điều này khó có thể kéo dài trong suốt cả năm vì sản xuất tăng cũng như nguồn cung dồi dào từ Brazil. Điều này có thể hạn chế việc tăng giá cà phê vào cuối năm cà phê trừ khi nhu cầu phục hồi nhanh hơn dự đoán hiện tại.