|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê thế giới lập đỉnh mới

07:38 | 12/08/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 7 vừa qua, trong khi hoạt động thương mại được báo cáo là đã tăng hơn 10% kể từ đầu niên vụ đến nay.

Giá cà phê đạt đỉnh mới

Giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt mức cao kỷ lục mới trong tháng 7, với bình quân 236,5 US cent/pound, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng tới 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ICO, giá cà phê thế giới đã đạt đỉnh ở mức 251,7 US cent/pound vào ngày 9/7 trong bối cảnh áp lực tăng giá trên thị trường vẫn được duy trì, không chỉ do thặng dư nhỏ chỉ 1 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, mà còn vì cán cân cung cầu trong 10 năm qua ghi nhận mức thâm hụt 1,9 triệu bao của sản xuất so với nhu cầu.

Tuy nhiên, tin tức về khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sương giá tan ở các vùng sản xuất chính của Brazil đã khiến giá cà phê toàn cầu hạ nhiệt trong phần còn lại của tháng 7.

Lãi suất cao đang làm tăng chi phí lưu trữ hàng tồn kho, khiến các nhà giao dịch và nhà rang xay phải mua cà phê theo hợp đồng ngắn hạn hơn, từ đó làm tăng hoạt động trên thị trường và nhu cầu ngắn hạn.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2024

(ĐVT: US cent/pound)

 Nguồn: ICO 

Xét theo chủng loại, robusta tiếp tục nhóm cà phê có giá tăng mạnh nhất trong tháng vừa qua khi tăng 5,1% so với tháng trước, lên mức bình quân 214,7 US cent/pound.

Giá cà phê arabica từ Brazil cũng tăng 4,6%, lên 239,7 US cent/pound. Tương tự, giá cà phê arabica từ Colombia và arabica khác tăng lần lượt 3% và 3,5%, đạt 257,8 US cent/pound và 257,1 US cent/pound.

Trên thị trường kỳ hạn London, giá cà phê robusta tại sàn ICE tăng 6,1% và đạt 193,9 US cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 6/1977. Còn trên thị trường kỳ hạn New York, giá cà phê arabica tăng 3,6%, lên 234,6 US cent/pound.

Do đó, chênh lệch giá cà phê giữa hai sàn giao dịch giảm 6,7%, xuống còn 40,7 US cent/pound trong tháng 7.

Tính đến cuối tháng 7, tồn kho cà phê robusta được chứng nhận trên sàn giao dịch London tiếp tục tăng nhẹ 1,7% so với tháng trước, lên gần 1 triệu bao (loại 60 kg/bao). Dự trữ cà phê arabica tăng 0,9% lên 0,87 triệu bao.

Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến tháng 7/2024

  Nguồn: ICO  

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng hơn 10% kể từ đầu niên vụ

Báo cáo của ICO cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 10,8 triệu bao. Tính chung 9 tháng đầu niên vụ đến nay (tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm nay), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng 10,1% so với cùng kỳ niên vụ trước lên mức 103,5 triệu bao.

Riêng cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, với khối lượng đạt 9,8 triệu bao trong tháng 6 và tổng cộng 93,8 triệu bao sau 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024, tăng lần lượt là 3,8% và 10,7% so với cùng kỳ vụ trước.

Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil trong 9 tháng đầu niên vụ đạt 32,1 triệu bao, tăng 24,5% so cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do xuất khẩu của Brazil và Ethiopia, hai quốc gia sản xuất chính của nhóm cà phê này tăng mạnh.

Xuất khẩu cà phê arabica Colombia cũng tăng 12,1% kể từ đầu niên vụ đến nay, đạt hơn 9,1 triệu bao. Điều kiện thời tiết thuận lợi giúp cho sản lượng cà phê của Colombia, nước sản xuất và xuất khẩu chính của nhóm cà phê này phục hồi một cách tích cực và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác tăng nhẹ 0,7% trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt 16,7 triệu bao. Mức tăng trưởng khiêm tốn này được lý giải là do chênh lệch giá giữa nhóm cà phê arabica khác và arabica Colombia đã thu hẹp xuống còn 1,1 US cent/pound so với mức bình quân 14,6 US cent/pound từ các niên vụ 2020-2021 đến 2022-2023.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 6)

   Nguồn: ICO   

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê robusta thế giới giảm 12,7% trong tháng 6 nhưng vẫn tăng 4,7% trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 35,8 triệu bao.

Trong tháng 6, xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,1 triệu bao.

Sự sụt giảm của Việt Nam đã đã kéo khối lượng chung giảm xuống, mặc dù xuất khẩu của Brazil tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 254,6%, đạt hơn 0,8 triệu bao. Tính từ đầu niên vụ đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu cà phê robusta của Brazil đạt gần 6,3 triệu bao, tăng gấp 6,2 lần (518,7%) so cùng kỳ năm ngoái.

Với các chủng loại khác, kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê hoà tan toàn cầu đạt tổng cộng 9,2 triệu bao, tăng 5,3% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên, tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm xuống còn 8,9% so với mức 9,3% của cùng kỳ.

Ngược lại, xuất khẩu cà phê đã rang trong 9 tháng đầu niên vụ chỉ đạt 0,53 triệu bao, giảm nhẹ so với con số 0,54 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024

    Nguồn: ICO 

Các nước Nam Mỹ mở rộng thị phần trong bối cảnh sản lượng giảm ở châu Á

Trong tháng 6, xuất khẩu cà phê các loại của Nam Mỹ tiếp tục tăng mạnh 34,7% lên 4,8 triệu bao. Tính chung 9 tháng đầu niên vụ, xuất khẩu cà phê của khu vực đạt 49,1 triệu bao, tăng đến 33,8% so với 36,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2022-2023.

Brazil - quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất khu vực, chứng kiến ​​khối lượng xuất khẩu tháng 6 tăng 35,9% lên 3,6 triệu bao. Đà tăng mạnh mẽ của khu vực Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng chủ yếu là do vụ thu hoạch bội thu của Brazil trong niên vụ 2022-2023 và 2023-2024, với sản lượng ước tính tăng lần lượt 8,4% và 9,2%.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê các loại tháng 6 của khu vực châu Á và châu Đại Dương đã giảm 33% xuống còn hơn 2,4 triệu bao. Do đó, tổng xuất khẩu cà phê của khu vực trong 9 tháng đầu niên vụ hiện tại đã giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 32,3 triệu bao.

Sự sụt giảm này là do xuất khẩu cà phê tháng 6 của Việt Nam - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực, đã giảm tới 50,2% so với cùng kỳ, xuống còn 1,2 triệu bao. Đây đã là tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp và tháng thứ 7 kể từ đầu niên vụ đến nay. Kết quả là xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024 đã giảm 10,9% so với cùng kỳ niên vụ trước, chỉ đạt 21,5 triệu bao.

Tồn kho ở Việt Nam đang ở mức thấp, sau khi một lượng lớn hàng đã được đưa vào xuất khẩu trong những tháng gần đây nhưng hiện đã gần cạn kiệt. Ngành cà phê trong nước đang chờ đợi nguồn cung mới từ vụ thu hoạch 2024-2025, dự kiến sẽ bắt đầu trong hai tháng tới.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024

     Nguồn: ICO  

Xuất khẩu cà phê từ khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng giảm 4,2% trong tháng 6 và giảm 6,4% trong 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng gần 11 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê tháng 6 của hai quốc gia sản xuất chính trong khu vực là Honduras và Nicaragua đã giảm lần lượt 11,4% và 21,1%.

Lượng cà phê xuất khẩu từ châu Phi bất ngờ tăng mạnh 31,6% trong tháng 6 và tăng 13,7% sau 9 tháng đầu niên vụ hiện tại, so với 9,7 triệu bao được xuất xưởng trong năm cà phê 2022/23.

Ethiopia và Uganda là động lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực vào tháng 6, với lượng xuất khẩu tăng lần lượt là 80% và 18,3%.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda báo cáo rằng lượng xuất khẩu tăng mạnh vào tháng 6 là do vụ thu hoạch robusta lớn hơn từ vùng Greater Masaka và vùng Tây Nam được đưa ra thị trường. Đối với Ethiopia, mức tăng trưởng này chủ yếu dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Hiệp