|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Huyện Gia Lâm cho phép hàng quán bán đồ ăn mang về tại khu vực 'vùng xanh'

11:06 | 06/09/2021
Chia sẻ
Từ ngày hôm nay (6/9), UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19/22 xã, thị trấn "vùng xanh" trên địa bàn.

Theo Cổng thông tin Điện tử Thủ đô Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20 của UBND Hà Nội.

Theo đó, huyện Gia Lâm đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Từ đó sẽ tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm… phù hợp với tình hình thực tế.

Huyện Gia Lâm cho phép hàng quán bán đồ ăn mang về tại khu vực 'vùng xanh' - Ảnh 1.

Huyện Gia Lâm cho phép hàng quán bán đồ ăn mang về tại khu vực "vùng xanh". (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Theo phân loại, Phân khu 1 (vùng đỏ) ở Gia Lâm gồm một phần địa giới thôn 3, xã Đông Dư và một phần thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn. Hai khu vực này tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ không cho người ra vào, yêu cầu "ai ở đâu ở đó", "nhà nào ở yên nhà đấy" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch triệt để.

Chính quyền sở tại lập chốt kiểm soát ra vào và hàng rào cứng tại tuyến đường ngang, ngõ tắt (có tính đến phương án linh hoạt phòng trường hợp khẩn cấp). Huyện sẽ dừng triệt để hoạt động sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ; chỉ cho cơ sở kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa để phục vụ người dân.

Tại Phân khu 2, (vùng cam) gồm khu vực bị phong tỏa; tổ dân phố, khu vực vừa kết thúc phong tỏa trong thời gian 14 ngày; khu đô thị Đặng Xá, khu đô thị Vinhomes Ocean Park và nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp. Toàn bộ vùng cam sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Tại Phân khu 2, huyện Gia Lâm cho phép các hoạt động sản xuất thiết yếu, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và có phương án phòng, chống dịch đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt…

Trong đó, tiếp tục duy trì trực chốt tại các tổ dân phố, thôn, đảm bảo trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần cho đến khi có thông báo mới; cho phép người dân, phương tiện đến từ vùng 2, vùng 3 và các phân khu khác trên địa bàn huyện ra vào nhưng phải kiểm soát, lập sổ theo dõi.

Đối với Phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa theo quy định sẽ thực hiện như Phân khu 2, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, chính quyền sở tại áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo phù hợp và nhanh chóng đưa địa phương trở lại trạng thái "giai đoạn bình thường mới".

Đối với các cơ quan liên quan, huyện Gia Lâm yêu cầu phải đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn; tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Trước đó, chiều 3/9, Hà Nội quyết định chia ba phân vùng để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khác nhau. Vùng 1 ("vùng đỏ") tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16. Hai vùng còn lại áp dụng Chỉ thị 15 hoặc cao hơn. Thời gian thực hiện phân vùng tính từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9 (tức 15 ngày).

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.529 ca dương tính với, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.563 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.966 ca.

Phương Trang