|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Huy động vàng trong dân: Ngân hàng Nhà nước thừa nhận là 'quá trình lâu dài'

06:40 | 21/05/2018
Chia sẻ
Theo NHNN, huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.
huy dong vang trong dan ngan hang nha nuoc thua nhan la qua trinh lau dai Giá vàng tuần tới: 'Trò kéo co' giữa gấu và bò tót sẽ ngã ngũ?
huy dong vang trong dan ngan hang nha nuoc thua nhan la qua trinh lau dai Nguyên nhân giá vàng giảm kỷ lục: Do USD trỗi dậy!
huy dong vang trong dan ngan hang nha nuoc thua nhan la qua trinh lau dai

(Ảnh minh hoạ).

Trước thềm kỳ họp Quốc hội kỳ này, cử tri phản ảnh một số chính sách tiền tệ của nước ta hiện nay là chưa phù hợp, cần điều chỉnh, trong đó có việc người dân gửi vàng vào các ngân hàng thương mại thì các ngân hàng thu phí, gửi USD thì lãi suất 0%...

Theo đó, cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực dự trữ trong dân (như vàng, USD…).

Huy động, vay vốn bằng vàng nhiều rủi ro

Riêng về nội dung lãi suất huy động vàng và giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân, phản hồi lại những kiến nghị của cử tri, NHNN cho biết, trước đây, trong giai đoạn từ năm 2001 – 2008, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện huy động, cho vay vốn bằng vàng, trong điều kiện giá vàng tương đối ổn định, hệ thống TCTD đã huy động được nguồn vốn nhất định đóng góp cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, từ năm 2008-2011, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới biến động tăng, giảm mạnh (có thời điểm tăng đến 300% so với năm 2008) khiến giá vàng trong nước cũng biến động mạnh theo gây rủi ro lớn cho cả TCTD và người đi vay.

Theo NHNN, việc TCTD huy động, cho vay vàng đã gây hệ lụy cho nền kinh tế, gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng để đầu cơ, tích trữ và gửi tại các TCTD để hưởng lãi suất. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình trạng vàng hóa, gây bất ổn thị trường vàng, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn này.

Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến năm 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng.

Theo đó các TCTD không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản (bao gồm vàng) và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ tại TCTD.

Nguồn lực trong dân bước đầu chuyển hoá thành tiền

NHNN đánh giá, thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã mang lại kết quả tích cực.

Cụ thể, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, trong khi đó tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng: Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm đến 70% so với năm 2013; các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân.

Thị trường không xuất hiện các ”cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VND từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hàng năm quanh mức 16-20%.

Cùng với đó, bản thân nền kinh tế không bị tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, một phần nguồn lực vàng được chuyển hóa phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ: Với các giải pháp quản lý thị trường vàng những năm vừa qua, hiện nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định. Nhu cầu vàng miếng suy giảm, thị trường vàng miếng tự điều tiết.

Thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng tự cân đối, hiện nay nhu cầu vàng nguyên liệu chủ yếu chỉ dùng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bản thân các doanh nghiệp đều chủ động mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu như giai đoạn trước đây (trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ khoảng 10-15 tấn).

"Như vậy, có thể khẳng định với các giải pháp vĩ mô đồng bộ, đến nay nguồn lực trong dân đã bước đầu được chuyển hóa thành tiền để sẵn sàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội", NHNN nhấn mạnh.

Quá trình lâu dài

Theo NHNN, huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Do vậy, việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu để tận dụng nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, vì vậy, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng.

NHNN cũng cho rằng, việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.

Thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án “Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020”.

"Ngày 28/12/2017, NHNN có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về Đề án. Bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị đồng Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh", NHNN cho biết.

Phương Dung

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.