|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Huy động vàng lãi suất gấp đôi gửi tiết kiệm, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật?

16:10 | 03/03/2021
Chia sẻ
Theo nhận định của một số luật sư, các cá nhân và tổ chức không phải tổ chức tín dụng vẫn có quyền cho vay, huy động vàng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro cũng như khó xử lý nếu xảy ra tranh chấp.
Huy động vàng lãi suất gấp đôi gửi tiết kiệm, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Vàng miếng. (Ảnh minh họa: Đầu tư Việt Nam).

Doanh nghiệp huy động vàng trả lãi gấp đôi gửi tiết kiệm

Thông tin một công ty huy động vàng với lãi suất cao trong thời gian qua nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đã chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng từ năm 2011.

Theo tìm hiểu của người viết, chương trình huy động vàng nói trên là của Công ty cổ phần Tập đoàn Vsetgroup với lãi suất mời chào lên tới gần 13%/năm, gấp đôi lãi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hiện nay. 

Theo thông tin trên website của doanh nghiệp, chương trình có tên "Hợp tác đầu tư vàng - hoàn trả vàng - nhận lãi khủng" được triển khai từ ngày 25/9/2020.

Chị P., nhân viên tư vấn của Vsetgroup, chia sẻ: "Khách hàng tham gia vào chương trình hợp tác đầu tư bằng cách góp vàng tại Tập Đoàn VsetGroup, lợi tức nhận được từ 9 đến 13%/năm tùy thuộc theo kỳ hạn cũng như kỳ trả lãi".

Huy động vàng lãi suất gấp đôi lãi gửi tiết kiệm, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Bảng lãi suất huy động vàng. (Ảnh: Nhân viên tư vấn Vsetgroup cung cấp).

Theo bảng lãi suất được cung cấp, giá trị mỗi hợp đồng vàng góp tối thiểu là 1 chỉ vàng và tối đa là 20 cây vàng; người gửi có thể chọn nhận lãi theo tháng, quý hoặc năm; lãi suất nhận được sẽ tăng lên theo giá trị đầu tư; kỳ hạn có thể kéo dài từ 1-5 năm.

Theo đó, mức lãi suất cao nhất là 12,79%/năm được áp dụng đối với mức giá trị đầu tư là 20 cây vàng và hình thức nhận trả lãi theo năm. 

Ngoài ra, chương trình cũng chỉ nhận góp vốn bằng vàng SJC và vàng 9999.

Huy động vàng lãi suất gấp đôi gửi tiết kiệm, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật? - Ảnh 3.

Thông tin chương trình trên website của doanh nghiệp. (Ảnh chụp màn hình: Website VsetGroup).

Khi được hỏi về tính cam kết của chương trình này, chị P. cho biết công ty sẽ cam kết với khách hàng bằng hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, không cần qua công chứng. 

Nhân viên tư vấn cũng khẳng định lại rằng hình thức này cũng tương tự gửi tiết kiệm ngân hàng và lãi suất được cam kết rõ ràng trong hợp đồng, các điều khoản được đội ngũ luật sư uy tín soạn thảo thông qua pháp luật hiện hành.

Vsetgroup được thành lập từ năm 2014, tiền thân là CTCP Điện tử Viễn thông VsetCom. Chủ tịch công ty là ông Trương Ngọc Anh.

Hiện tại, VsetGroup là một tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực Điện tử viễn thông, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính,... Vsetgroup có 8 công ty thành viên, tổng vốn góp chủ sở hữu là 150 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2020, tổng tài sản của công ty là gần 300 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là tài sản dài hạn (chiếm 83%) như bất động sản đầu tư và các khoản đầu tư tài chính dài hạn... Trong năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Vsetgroup đạt 45 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần năm trước.

Ngoài huy động vàng, trước đó Vsetgroup còn phát hành nhiều trái phiếu với lãi suất cao so với mặt bằng chung thị trường từ 13,5 - 17,55% kỳ hạn từ 1 đến 5 năm.

Doanh nghiệp huy động vàng có vi phạm pháp luật?

Đánh giá về tính pháp lý của hoạt động huy động vàng của doanh nghiệp, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết NHNN đã ra thông tư 11/2011 quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng, tuy nhiên thông tư này chỉ áp dụng cho các tổ chức tín dụng, không áp dụng cho tổ chức, cá nhân.

"Do đó, việc huy động, vay mượn vàng ngoài đối với các tổ chức tín dụng ra thì không có pháp luật nào cấm. Tuy nhiên, khách hàng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro cũng như khó xử lý nếu xảy ra tranh chấp lãi suất", Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO, cho rằng nếu doanh nghiệp có tính chất kinh doanh vàng chuyên nghiệp, về nguyên tắc phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bởi NHNN là đơn vị duy nhất hiện nay quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Huy động vàng lãi suất gấp đôi gửi tiết kiệm, doanh nghiệp có vi phạm pháp luật? - Ảnh 4.

LS. Trần Minh Hải. (Ảnh: Thuvienphapluat).

Dù vậy, nếu doanh nghiệp không có tính chất kinh doanh vàng chuyên nghiệp, trường hợp này có thể đánh giá như một hợp đồng vay tài sản, vẫn phù hợp với thông lệ trong Bộ Luật dân sự. Trong đó, với mức lãi suất 13%/năm công ty này trả, vẫn nằm trong giới hạn lãi suất 20%/năm do luật điều chỉnh.

Ông Hải cho rằng bản chất của vụ việc này cần xem xét và đánh giá tính chất chuyên nghiệp của doanh nghiệp này liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng; và trong trường hợp này, việc đánh giá sẽ cần phải đến từ NHNN.

"Quan trọng nhất, NHNN cần phải có ranh giới giữa hoạt động kinh doanh vàng nào thuộc NHNN quản lý. Bởi nếu không thuộc phạm vi NHNN quản lý, doanh nghiệp được làm tất cả những gì nhà nước không cấm", LS. Hải nói thêm.

Lê Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.