|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đại biểu kiến nghị sớm tính giải pháp huy động vàng, USD trong dân

17:06 | 31/05/2019
Chia sẻ
Đại biểu cho rằng, Chính phủ cũng cần sớm có giải pháp huy động ngoại tệ và vàng trong dân trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam vẫn phải vay hàng tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc.
Đại biểu kiến nghị sớm tính giải pháp huy động vàng, USD trong dân - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách.

Thảo luận tại Nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của cơ quan quản lý năng động, linh hoạt và tương đối ăn khớp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng kiềm chế ở mức bình quân 15%, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn hơn đạt 7%. Ngân hàng thương mại chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi vay, bình quân 6-8% một năm.

Ông Chiểu cho rằng, chính sách tiền tệ vẫn cần tập trung giảm tiếp lãi suất vay khi còn dư địa. Đáng chú ý, theo đại biểu, Chính phủ cũng cần sớm có giải pháp huy động ngoại tệ và vàng trong dân.

"Mỗi năm Việt Nam vẫn phải vay hàng tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc trong khi nguồn vàng, ngoại tệ trong dân còn rất lớn", ông nói.

Liên quan tới cân đối ngân sách, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Ông dẫn chứng, năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.

"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng", ông Hàm nói.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, tình hình thu ngân sách hiện không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, tăng nhanh. Trong khi đó, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán. Ông ví dụ, nếu năm 2016 thu từ dầu và đất chiếm 14,8% tổng thu thì 2017 là 15,7% và 2018 tăng lên 17,6%.

Đồng quan điểm, theo đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên), nợ công được cải thiện nhưng vẫn cao và chưa thể yên tâm bởi Việt Nam mới trả được lãi, trả nợ gốc đến hạn.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, các năm qua tổng thể thu ngân sách nhà nước đều vượt lớn so với dự toán song số vừa thu chủ yếu là từ đất. Tuy nhiên, đây là khoản thu một lần, không có tính bền vững, ổn định, lâu dài do nguồn lực này là hữu hạn.

"Các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều không đạt dự toán cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa tạo được nền tảng thu ngân sách nhà nước vững chắc, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh", ông nói.

Về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề cập đến tình trạng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn. Báo cáo Chính phủ cho thấy, năm 2018 khoảng 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, trong đó 63.000 chờ giải thể, phá sản.

"Như vậy, bình quân cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 đơn vị lại giải thể, phá sản", ông đánh giá.

Trong khi đó, theo đại biểu, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch khoảng 8% nhưng nền kinh tế ở 3 khu vực quan trọng là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều không đạt dự toán. Đây là thách thức cho việc duy trì ổn định nguồn thu, cần được đánh giá cụ thể và đề ra giải pháp.

Đại biểu cho rằng, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính hay cắt bỏ điều kiện kinh doanh được đưa ra nhưng con số doanh nghiệp đóng cửa thực tế lại cho thấy sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thách thức.

Theo đó, ông đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, xác định đúng nội dung doanh nghiệp cần, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách cơ học. "Nếu không cải cách thực chất thì khó đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020", ông nói.

Phương Dung