|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Huawei vẫy vùng tìm cách sản xuất chip trở lại giữa sự kìm kẹp của Mỹ

21:10 | 22/09/2022
Chia sẻ
Huawei đang cố gắng đưa con chip riêng của mình trở lại dây chuyền sản xuất sớm nhất có thể trong năm nay bằng cách hợp tác với các công ty bán dẫn trong nước.

 Logo Huawei. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Huawei từng là nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, đã mất quyền tiếp cận các công nghệ quan trọng của Mỹ, cũng như việc hợp tác với các đối tác sản xuất chip toàn cầu kể từ năm 2019, khi bị Washington đưa vào danh sách đen về thương mại.

Kể từ đó, Huawei phải dựa vào chip bán sẵn và hàng tồn kho để duy trì hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông của mình. Tuy nhiên, theo Nikkei, để tăng tốc độ sản xuất chip riêng, Huawei đang hợp tác với các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen, đồng thời thiết kế lại một số chip lõi của mình để chúng có thể được sản xuất bằng công nghệ cũ hơn có sẵn tại Trung Quốc.

Các nguồn tin cho hay, thay vì xây dựng các nhà máy chip của riêng mình từ đầu, Huawei đang cử nhân viên hỗ trợ tài chính, mua sắm và vận hành một số nhà sản xuất chip địa phương, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Các nguồn tin cho biết thêm, mục đích là xây dựng dây chuyền sản xuất không bị Mỹ "can thiệp". 

Trong khi Washington đã cấp giấy phép xuất khẩu cho phép vận chuyển một số chip kém nhạy cảm và kém tiên tiến hơn cho Huawei. Tuy nhiên, Huawei thừa nhận các tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời cho biết với số chip kém tiên tiến được nhập khẩu đó thì công ty sẽ cần “rất nhiều kiên nhẫn” để vá những điểm yếu của nó.

Các nguồn tin giải thích, công ty đã ưu tiên sản xuất chip cho thiết bị viễn thông và ngành kinh doanh ô tô non trẻ của mình, ngay cả khi ban đầu họ không thể sản xuất chất bán dẫn tiên tiến như chất bán dẫn được sử dụng bởi các đối thủ như Ericsson và Samsung Electronics.

Các đối tác của Huawei trong nỗ lực này bao gồm Fujian Jinhua Integrated Circuit Co (JHICC), một nhà máy bán dẫn được hỗ trợ bởi chính quyền tỉnh Phúc Kiến và trước đây là mục tiêu trừng phạt của Mỹ.

Ningbo Semiconductor International (NSI), công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) cũng là hai đối tác khác với Huawei trong lần này. Huawei cũng đang làm việc với một số nhà máy chip nhỏ hơn do chính phủ hậu thuẫn ở Thâm Quyến.

Tuy nhiên, hiện không có hồ sơ công khai nào cho thấy Huawei có cổ phần trong các công ty sản xuất này. Trước đó, công ty do ông Nhậm Chính Phi sáng lập đã mua cổ phần trong một loạt các công ty liên quan đến chip, bao gồm 15 khoản đầu tư từ đầu năm đến nay.

Huawei đang tập trung vào chip cho thiết bị viễn thông một phần vì chúng ít đòi hỏi công nghệ hơn so với chip được sử dụng trong các thiết bị tiêu dùng như smartphone. Nhìn chung, chúng không cần quá nhỏ hoặc tiết kiệm năng lượng, và khối lượng cần thiết nhỏ hơn nhiều.

Huawei hiện sản xuất khoảng 500.000 thiết bị viễn thông hàng năm, so với con số 100 triệu đến 200 triệu điện thoại thông minh mà các thương hiệu hàng đầu sản xuất mỗi năm.

JHICC từng hy vọng xây dựng chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM), một thành phần bộ nhớ quan trọng được sử dụng trong các thiết bị khác nhau, nhưng kế hoạch đó đã bị trật bánh khi bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại vì cáo buộc ăn cắp công nghệ từ Micron Technology vào cuối năm 2018.

Huawei hiện đang đặt mục tiêu chuyển đổi một số dây chuyền sản xuất chip nhớ của công ty JHICC sang dây chuyền có thể sản xuất bộ xử lý và cái gọi là chip logic khác.

Tại công ty NSI, hiện một số quỹ của Chính phủ Trung Quốc đang nắm giữ cổ phần, chuyên về các thành phần tần số vô tuyến và chip tương tự điện áp cao. Đây là những thành phần quan trọng cho thiết bị mạng và ứng dụng ô tô, hai trong số những nhu cầu lớn nhất của Huawei.

Trong khi đó công ty SMIC vẫn nằm trong danh sách đen thương mại của Washington vì các mối liên hệ bị cáo buộc của họ với quân đội Trung Quốc.

Huawei đang sở hữu nhà phát triển chip hàng đầu của Trung Quốc, HiSilicon Technologies, công ty thiết kế một số chip xử lý tiên tiến nhất thế giới cho điện thoại thông minh, trạm gốc, camera giám sát và TV.

Tuy nhiên, trước khi bị Mỹ đưa vào tầm ngắm, HiSilicon Technologies hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip theo hợp đồng như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., GlobalFoundries và SMIC để đưa các thiết kế chip đó vào sản xuất. 

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thắt chặt hơn của Mỹ vào năm 2019 đã cắt đứt khả năng hợp tác với các nhà sản xuất chip toàn cầu như TSMC, giáng một đòn mạnh vào bản đồ lộ trình sản phẩm của Huawei.

Theo IDC, doanh số bán smartphone của Huawei đã giảm xuống vị trí thứ 10 trên thế giới vào năm ngoái, sau một thời gian giữ vị trí hàng đầu vào năm 2020, do thiếu khả năng tiếp cận với các bộ vi xử lý di động tiên tiến và kết nối 5G.

Mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei đã phần nào khởi sắc hơn. Theo Stephane Teral, nhà phân tích chính của LightCounting, thị phần của Huawei chiếm khoảng 27,4% vào nửa đầu năm 2022, giảm so với mức hơn 33% vào năm 2020. Teral cho biết thị phần của Huawei ở Trung Quốc, nơi nó nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ chính phủ, là 53%.

Thiên Trường