HSC: Sợi Thế Kỷ sẽ khó lòng tìm được thị trường bù đắp mất mát "vụ Thổ Nhĩ Kì"
Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kì vừa ban hành quyết định cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi DTY với quyết định áp thuế chống bán phá giá cho sợi DTY nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan. Mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam là 34,81% - 72,56%. Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) chịu mức thuế chống bán phá giá là 34,81%.
HSC cho biết Việt Nam sẽ đưa kháng nghị đối với quyết định này ra WTO và sẽ mất khoảng 18 tháng để WTO đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong thời gian này, doanh thu Công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nhu cầu khách hàng Thổ Nhĩ Kì đối với sợi DTY của Sợi Thế Kỷ sẽ giảm. Trên thực tế trước khi có quyết định trên thì nhu cầu đối với sợi DTY từ khách hàng Thổ Nhĩ Kì đã giảm vì khách hàng đang tìm kiếm nguồn hàng khác.
HSC đang gấp rút xem xét lại mô hình dự báo và có lẽ sẽ điều chỉnh giảm dự báo cho KQKD năm sau của Sợi Thế Kỷ. Nếu nhu cầu từ thị trường Thổ Nhĩ Kì giảm mạnh (điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra) thì Sợi Thế Kỷ sẽ khó lòng tìm được thị trường thay thế để bù lại mất mát này. Theo đó HSC cho rằng doanh thu của công ty sẽ bị ảnh hưởng trong năm sau.
Trước đây HSC dự báo doanh thu thuần năm 2016 đạt 1.470 tỷ đồng (giảm 42%) và LNST đạt 81 tỷ đồng (tăng trưởng 13%). Năm 2017, con số dự báo doanh thu thuần đạt 1.736 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và LNST đạt 107 tỷ đồng (tăng trưởng 33%).
Trong 9 tháng đầu năm 2016, thị trường Thổ Nhĩ Kì chiếm 24% giá trị xuất khẩu và 22% sản lượng xuất khẩu của Sợi Thế Kỷ. Việt Nam có thể sẽ kháng nghị đối với quyết định này nhưng sẽ cần có thời gian.
Vào đầu tháng 9/2016, Sợi Thế Kỷ có gửi thông báo tới cổ đông về việc phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá từ Thổ Nhĩ Kì. Mức độ phá giá được xác định là 34,81% và Công ty cho rằng cách tính từ Thổ Nhĩ Kì không hợp lý.
Theo công ty, thứ nhất, số liệu thống kê giai đoạn 2012 - 2014, các công ty sản xuất sợi DTY ở Thổ Nhĩ Kì vẫn hoạt động tốt, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đều đặn.
Thứ hai, MOE không hề đề cập tới các mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu Việt Nam vào thị trường Thổ Nhĩ Kì và việc các nhà sản xuất tại nước này bị thiệt hại. Việc không xác định mối quan hệ này gây nhầm lẫn và cản trở các công ty Việt Nam bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ ba, giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn 4% so với Thái Lan nhưng biên độ bán phá giá của Việt Nam lại được MOE xác định cao hơn Thái Lan.
Thứ tư, việc từ chối công nhận các nhà sản xuất sợi Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường cần được xem xét lại khi nguyên liệu đầu vào để công ty Việt Nam sản xuất sợi DTF là PET - chip chiếm 75-80% giá thành được nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Thứ năm, cơ cấu giá thành sản xuất của Thổ Nhĩ Kì không thể lấy làm cơ sở đại diện cho Việt Nam. Thay vào đó, Thái Lan nên được chọn bởi những tương đồng về vị trí, chi phí vận chuyển... nếu Việt Nam không được xem là hoạt động theo cơ chế thị trường.
Thứ sáu, giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Thái Lan 4%, nhưng biên độ bán phá giá lại bị xác định cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nước này. Điều này cho thấy việc sử dụng Thổ Nhĩ Kì làm quốc gia đại diện để lấy số liệu so sánh là không hợp lý và không công bằng.
Thứ bảy, MOE sử dụng giá thành của một số nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kì cộng với tỷ lệ lợi nhuận 10% để tính mức độ phá giá là không công bằng vì nhiều khoản mục chi phí bị loại trừ khỏi giá bán xuất khẩu của công ty Việt Nam, trong khi nó lại được giữ lại trong giá thành của công ty phía Thổ Nhĩ Kì.
STK cũng cho biết kể từ khi Thổ Nhĩ Kì khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá, STK đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường mới như Hàn Quốc cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới để hạn chế tác động từ thị trường này.