|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Việt Nam cần đẩy nhanh cổ phần hóa

07:54 | 03/02/2017
Chia sẻ
Theo HSBC, cải cách tài chính công ngoài quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ còn phải cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp Nhà nước.
hsbc viet nam nen cai to tai chinh cong
HSBC: Việt Nam nên cải tổ tài chính công.

Trong báo cáo công bố mới đây, HSBC cho rằng năm 2016 đã kết thúc tốt đẹp. Nửa đầu năm tăng trưởng Việt Nam thấp hơn 6% nhưng quý IV đã phục hồi trở lại, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 6,2%.

Sản xuất nông nghiệp đã ổn định hơn sau đợt hạn hán nặng nề, trong khi sản lượng ngành khai khoáng mỏ và khai thác đá có sản lượng giảm. Tuy nhiên, điều này lại được bù đắp bởi ngành sản xuất tăng trưởng cao. Hoạt động xây dựng cũng đã phục hồi. Sản xuất công nghiệp có một số thành công.

Theo HSBC, tất cả những tín hiệu trên thể hiện những mong muốn có nhu cầu cao hơn và từ đó tăng trưởng kinh tế mạnh hơn trong các quý tới.

Cùng với đó, HSBC cũng đánh giá cao thành tích giải ngân vốn FDI kỷ lục 15,8 tỷ USD.

Như vậy, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá lạc quan. Tuy nhiên HSBC cho rằng câu hỏi đặt ra là "làm sao để Việt Nam phát triển bền vững?"

Để tăng trưởng bên vững, HSBC đưa ra khuyến nghị cải tổ tài chính công. Báo cáo phân tích các áp lực đối với tài chính quốc gia khi vẫn còn nhu cầu đầu tư công vào cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đi lên.

Cũng theo ngân hàng này, tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng Chính phủ là cần thiết tuy nhiên nếu không kiểm soát sẽ tạo ra thách thức trung hạn. Các khoản thuế trong bối cảnh nợ công, khoản vay nợ nước ngoài trước áp lực tăng lãi suất của FED cũng là thách thức đối với Chính phủ.

Chính vì vậy, theo HSBC, cải cách tài chính công ngoài quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ còn phải cổ phần hóa nhanh (hoặc tư nhân) các doanh nghiệp Nhà nước. Tỷ lệ thoái vốn trung bình hiện tại ở các doanh nghiệp Nhà nước là 8%. Nói cách khác, Nhà nước vẫn nắm giữ 92% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.

Dù vậy, theo HSBC, cải cách tư nhân đã tích cực nhờ quyết định ngày 28/12/2016 quy định tỷ lệ tổng sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp được lên danh sách cổ phần hóa. Theo quan điểm của HSBC, điều này có thể sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn.

Trước đó, Chính phủ chỉ quy định tỷ lệ sở hữu nhà nước theo ngành mà không quy định cụ thể các doanh nghiệp nhà nước nào dẫn đến việc thoái vốn thấp.

Ngoài ra, quyết định cũng đã liệt kê 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% cổ phần và khoảng 137 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong số những doanh nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ trong bốn doanh nghiệp, giữ 50 - 65% trong 27 doanh nghiệp, và ít hơn 50% vốn trong 106 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, điện hạt nhân, và in tiền sẽ không được cổ phần hóa. Quyết định này thay thế cho các quyết định trước và có hiệu lực từ ngày 15/2/2017.

Thái Hoàng