Hợp tác với đối thủ: Chiến lược khôn ngoan dẫn tới thành công bền vững của Toyota
Năm 2003, Toyota qua mặt Ford để trở thành nhà sản xuất xe hơi đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau General Motors về mặt tổng doanh thu. Hiện tại hãng xe của Nhật hiện chiếm lĩnh 11% tổng thị phần xe hơi thế giới với khoảng 7 triệu xe được bán mỗi năm.
Yếu tố làm nên thành công của Toyota là từ những chiến dịch quảng cáo nhắm vào những người trẻ tuổi và việc tân trang, bán lại những mẫu xe cũ như Corolla.
Nhưng việc chuyển vị thế từ một công ty theo đuôi sang một công ty tiên phong mới là nguyên nhân then chốt dẫn tới thành công bền vững của họ, chẳng hạn như việc họ trở thành đại sứ của những chiếc xe thân thiện với môi trường.
Vào năm 1997, Toyota trở thành nhà sản xuất xe hơi đầu tiên tung ra thị trường loại "xe lai" sản xuất hàng loạt - với sự kết hợp giữa động cơ đốt trong và một động cơ mô tơ điện tử nên tiết kiệm nhiên liệu hơn, và vì vậy cũng phù hợp với môi trường sinh thái hơn những kiểu xe truyền thống khác.
Năm 2002, Toyota đã hợp tác với đối thủ Nissan để cùng chia sẻ thông tin, nghiên cứu và phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường. Ảnh: autofreaks.com
Fujio Cho, Tổng giám đốc của Toyota, đã tuyên bố: "Việc phát triển những loại xe thân thiện với môi trường sinh thái hơn chính là trọng tâm của chiến lược phát triển trong tương lai của chúng tôi".
Khi các công ty tạo thành một loại sản phẩm hay công nghệ mới, họ thường chỉ muốn giữ riêng chúng cho thương hiệu của họ.
Apple quyết tâm giữ riêng hệ điều hành của họ cho chỉ dòng máy tính Macintosh; Sony tỏ ra miễn cưỡng khi nhượng quyền sử dụng công nghệ Betamax cho các nhà sản xuất khác.
Nhưng với thành công của hệ điều hành máy tính của Microsoft hay hệ video VHS của JVC, chúng ta thấy rằng chỉ những công nghệ được chia sẻ và áp dụng trong nhiều công ty khác nhau (chứ không phải dành riêng cho một thương hiệu) mới nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi nhất.
May mắn thay, Toyota đã không vấp phải sai lầm đó, họ không theo đuổi chiến lược phòng vệ hay bảo thủ với những chiếc xe sinh thái của họ. Năm 2002, họ đã hợp tác với đối thủ Nissan để cùng chia sẻ thông tin, nghiên cứu và phát triển những công nghệ thân thiện với môi trường.
Khả năng nhận thấy một tương lai hoàn mỹ hơn đã trở nên rõ ràng với Toyota. Những năm gần đây, hãng không còn là một nhà sản xuất xe hơi tiêu chuẩn nữa, mà có vẻ gần giống với một tổ chức đang nỗ lực thay đổi tương lai của việc lái xe hơn.
Những sáng tạo đột phá đa dạng gần đây của Toyota càng làm rõ nét thêm hình ảnh mới mẻ này, chẳng hạn như việc giới thiệu chiếc xe "tự đỗ" với những cảm biến điện tử có thể tự tránh chướng ngại vật và đưa xe vào chỗ đậu một cách an toàn.
Mặc dù các loại xe "tự đỗ" hay thân thiện với môi trường vẫn chỉ đại diện cho một phần nhỏ ngành kinh doanh của Toyota, nhưng những kiểu xe nổi tiếng, ví như Corolla, đã phản ánh hình ảnh một thương hiệu có tầm nhìn vững chắc hướng về tương lai.
Một khi đã vượt qua hãng xe hơi Ford, Toyota có thể sớm trở thành nhà sản xuất xe hơi được yêu chuộng nhất trên thế giới.