Hong Kong có nền kinh tế tự do nhất thế giới
Tuần qua, Viện Fraser - một cơ quan nghiên cứu về thị trường tự do - đã công bố báo cáo thường niên về Tự do Kinh tế trên thế giới (Economic Freedom of the World), cho thấy Hong Kong dẫn đầu danh sách các nền kinh tế tự do nhất thế giới, theo sau lần lượt là Singapore, New Zealand, Thụy Sỹ và Canada. Trong đó, Mỹ sa lầy ở vị trí thứ 16 năm thứ hai liên tiếp, theo Viện Fraser.
Hơn 20 năm sau khi cắt đứt quan hệ với Anh Quốc, Hong Kong vẫn duy trì được sức sống cho nền kinh tế của mình, thậm chí cả trong mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc có khả năng kéo đặc khu kinh tế Hong Kong vào suy thoái.
Fred McMahon và Michael Walker, tác giả của báo cáo, cho biết: "Tự do kinh tế dẫn đến sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống cao hơn, trong khi các nước có xếp hạng thấp nhất thường chịu gánh nặng bởi chế độ hạn chế tự do và cơ hội cho công dân nước mình.
Với rất nhiều rủi ro đe dọa nền kinh tế toàn cầu, chỉ một vài nền kinh tế được Fraser chỉ ra là thực sự có cải thiện. Trong quý 2, nền kinh tế Hong Kong đã tăng trưởng thêm 1,7%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng 1,2% của Mỹ trong cùng kỳ. Singapore trong khi đó được dự báo không tăng trưởng quá 2% trong năm nay.
Mặc dù khái niệm về tự do kinh tế có thể rất chủ quan, số liệu xếp hạng các nền kinh tế của Fraser được dựa trên một loạt các tiêu chí, bao gồm quyền tự do cá nhân, tiếp cận thị trường, tôn trọng sở hữu cá nhân và các quy định pháp luật - mang tới cho nền kinh tế một giá trị tổng hợp trên cơ sở cho điểm mỗi thông số. Xếp hạng có độ trễ 2 năm, do đó nó dựa trên các số liệu thống kê có sẵn gần nhất.
Báo cáo nhấn mạnh những gì đã được nhắc đi nhắc lại trong các chỉ trích đối với nền kinh tế Mỹ: Các quy định mở mức cao đang bóp nghẹt tăng trưởng. Một cuộc khảo sát năm 2014 bởi Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất Mỹ đã chỉ ra rằng mê cung các quy định pháp luật phức tạp về thuế và môi trường của Mỹ gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 2.000 tỷ USD. Chi phí tuân thủ các quy định pháp luật là gần 10.000 USD/1 công nhân/năm.
Một vài nền kinh tế ít tự do nhất là các nước đang gặp vấn đề khó khăn như Libya, Venezuela và Zimbabwe, theo Viện Fraser. Sự tự do kinh tế có ảnh hưởng không nhiều tới tăng trưởng bình quân đầu người, báo cáo cho thấy quốc gia có nền kinh tế càng tự do thì công dân càng có xu hướng giàu có hơn.
Theo Viện Fraser, 25% các quốc gia xếp hạng đầu về tự do kinh tế (như Singapore, Canada và Chile) có GDP bình quân đầu người trung bình là 41.228 USD trong năm 2014, so với 5.471 USD là mức bình quân của 25% các nước xếp cuối bảng xếp hạng (như Venezuela, Iran và Zimbabwe).
Theo các tác giả của báo cáo, thự tế, thu nhập trung bình năm 2014 của 10% những người nghèo nhất trong những nền kinh tế tự do nhất (11.283 USD) lớn hơn thu nhập trung bình của toàn bộ các nền kinh tế ít tự do nhất (5.471 USD). Và tuổi thọ trung bình của nhóm 25% các quốc gia tự do nhất là 80,4 so với mức trung bình 64 tuổi của nhóm cuối bảng.