|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hơn 30.000 cửa hàng F&B đóng cửa nửa đầu năm

10:00 | 21/08/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo, số cửa hàng F&B tại TP HCM giảm mạnh nhất. Trong khi tại thị trường Hà Nội, số cửa hàng dừng hoạt động ngang bằng với số cửa hàng mở mới.

Sáng 21/8,  iPOS.vn công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam F&B Summit 2024. 

Tính tới hết tháng 6, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm tới 3,9% so với số liệu từ năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Tổng giá trị doanh thu ngành F&B đạt 403.900 tỷ đồng, tương đương 68,46% doanh thu cả năm ngoái. 

Bên trong một cửa hàng Trung Nguyên tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Xét riêng các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam từ đầu năm 2024, doanh thu của các doanh nghiệp ngành này đã chứng kiến sự biến động mạnh. Mặc dù khởi đầu năm mới với những tín hiệu tích cực, nhưng đến  giữa năm, xu hướng giảm đã trở nên rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng hai tới hơn 43,4%. 

Tháng 3 có tăng trưởng nhẹ, và sau đó giảm đều tới giữa năm. Các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Theo khảo sát, có 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó, 34,4% dự kiến mở rộng  thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới 51,7%. 

Tuy nhiên, sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi niềm yêu thích ẩm thực của người Việt Nam. Thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều đáp viên cố gắng giữ tần suất đi ăn ngoài, nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu. Theo khảo sát, các mức tần suất cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng  lên 4,1% so với năm trước. Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây, cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn. 

Mức chi cho việc “đi café" giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, với tần suất cũng giảm đáng kể. Mặc  dù mức giá từ 41.000 đồng đến 71.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%. 

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc iPOS.vn chia sẻ nửa đầu năm 2024 đã chứng  kiến sự biến động mạnh mẽ, đặt ra không ít thách thức cho toàn bộ ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực F&B.

"Các doanh nghiệp F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, sự sáng tạo không  ngừng trong việc phát triển sản phẩm đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách", ông Hùng nói.

Báo cáo kỳ này cũng được iPOS.vn công bố về nghiên cứu chuyên sâu nhân sự ngành F&B tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang có khoảng 2,89 triệu lao động ngành F&B, với 81,3% nhân sự làm việc bán thời gian. Mặc dù đóng góp nhiều cơ hội cho thị trường lao động, ngành Kinh doanh Ẩm thực vẫn chưa quá thu hút nhân sự định hướng làm việc lâu dài.

Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam là hoạt động thường niên của iPOS.vn hàng năm. Báo cáo được xây dựng từ nghiên cứu của gần 1.000 nhà hàng/quán cà phê cùng hơn 2.300 thực khách và 1.307 nhân ngành F&B tại Việt Nam với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau.

Đức Huy