|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hơn 150.000 tỉ đồng lãi dự thu ngân hàng đã thay đổi ra sao trong 6 tháng đầu năm?

12:18 | 12/08/2019
Chia sẻ
Hết nửa đầu năm, số lãi dự thu các ngân hàng tiếp tục tăng. Trong đó, SCB tiếp tục là ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất với hơn 49.000 tỉ đồng, chiếm gần 1/3 tổng số lãi dự thu của các ngân hàng khảo sát.

Lãi dự thu các ngân hàng tiếp tục tăng

Theo thống kê từ báo cáo tài chính vừa công bố của 27 ngân hàng, tổng số lãi và phí dự thu (gọi chung là lãi dự thu) đã tiếp tục gia tăng trong 6 tháng đầu năm. 

Tại 30/6, tổng số dư lãi dự thu của 27 ngân hàng đạt 157.907 tỉ đồng, tăng 1,5% trong 6 tháng đầu năm, tương đương 2.280 tỉ đồng.

Trong đó, SCB tiếp tục giữ "quán quân" về số dư lãi dự thu với 49.290 tỉ đồng, chiếm hơn 31% so với tổng lãi dự thu của nhóm ngân hàng khảo sát. Ngoài SCB, TOP 3 những ngân hàng có nhiều lãi dự thu nhất còn ghi nhận những gương mặt như Sacobank (21.260 tỉ đồng) và BIDV (13.252 tỉ đồng).

Screen Shot 2019-08-12 at 11

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp, đvt: tỉ đồng.

Lãi dự thu là khoản bắt buộc phải có trong báo cáo của các ngân hàng, tài khoản này ghi nhận những khoản lãi kế hoạch, dự kiến trong tương lai sẽ thu về. Tuy nhiên, nếu khoản lãi dự thu quá lớn so với qui mô của ngân hàng và đặc biệt là duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài thì đó lại là một vấn đề khác.

Hai ngân hàng có lãi dự thu lớn đầu bảng hiện tại và SCB và Sacombank đều là hai ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ với thời gian kéo dài. Khoản lãi dự thu ở hai nhà băng này bao gồm một phần là dự thu từ các khoản nợ khó đòi, tuy nhiên chưa thế trích lập dự phòng hoặc xử lí ngay mà cần thời gian dài để xử lí.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có phê duyệt về các phương án xử lí các khoản lãi dự thu tại các ngân hàng này với thời gian kéo dài lên tới 10 năm. 

Cụ thể, Sacombank được khoanh số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng và phân bổ dần vào chi phí hoạt động theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa 10 năm.

BIDV cũng là một điểm cần lưu ý khi số lãi dự thu của "ông lớn" này tiếp tục duy trì ở mức cao đồng thời tăng mạnh hơn 1.300 tỉ đồng trong nửa đầu năm (11,4%). Cùng với tăng trưởng mạnh về lãi dự thu, nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng mạnh hơn 3.300 tỉ đồng, tương đương tăng 46% và chiếm tới gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng.

Screen Shot 2019-08-12 at 10

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Ngân hàng nào tăng trưởng lãi dự thu cao nhất?

Trong số 27 ngân hàng khảo sát có 18 ngân hàng tăng lãi dự thu và 9 ngân hàng giảm.

Xét về số tương đối, VietBank là ngân hàng có mức tăng trưởng lãi dự thu cao nhất gần 57% trong nửa đầu năm, từ 900 tỉ đồng lên 1.412 tỉ đồng. Tiếp đó là Saigonbank (35,4%); OCB (23,9%); MSB (20,8%);...

Ở chiều ngược lại, nhóm các ngân hàng có lãi dự thu giảm nhiều nhất (%) gồm ACB (giảm 25%); Techcombank (giảm 19%); Eximbank (giảm 9%);...

Lãi dự thu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng như thế nào?

Trong trường hợp nào đó mà lãi dự thu được chính thức ghi nhận vào doanh thu trong bảng cân đối kết quả hoạt động kinh doanh thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng. Do đó, có một số trường hợp lãi dự thu đã tạo nên đột biến về tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Và ngược lại, khi lãi dự thu được xác định là "không thể thu hồi" thì ngân hàng sẽ phải ghi nhận chi phí dự phòng để xử lí các khoản tương ứng khiến lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm.

Khi tỉ lệ lãi dự thu càng ở mức cao thì khả năng ảnh hưởng của con số này tới lợi nhuận sẽ lớn và tạo một phần "rủi ro" không chắc chắn về con số lợi nhuận thực tế của các ngân hàng. Do vậy, lãi dự thu được coi là một nguồn lãi ảo của ngân hàng.

Tỉ lệ giữa lãi dự thu và lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm ở mức 3,6 lần. Tuy nhiên ghi nhận sự phân hoá lớn khi tại một số ngân hàng tỉ lệ này ở mức rất cao. 

Screen Shot 2019-08-12 at 12

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Với danh hiệu quán quân lãi dự thu, tỉ lệ này ở SCB cũng là cao nhất, số dư lãi dự thu gấp hơn 320 lần so với con số lợi nhuận sau thuế của ngân hàng. NCB cũng là nhà băng có tỉ lệ này ở mức cao với hơn 176 lần.

Nhóm những ngân hàng như VietABank, Bản Việt, Sacombank, Kienlongbank, PG Bank và SeABank đều có tỉ lệ này dao động từ 10,3 - 31,1 lần.

Nhóm những "ông lớn" ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank có tỉ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế ở mức thấp.


Diệp Bình