|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Học hỏi Amazon, Alibaba, Thế Giới Di Động tái cấu trúc một loạt công ty con nhằm mở rộng phạm vi kinh doanh, tham vọng top 1 Đông Nam Á

07:14 | 12/11/2021
Chia sẻ
Tuy nhiên, những mảng kinh doanh mà Thế Giới Di Động hướng đến đều không mới, vì vậy doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều ông lớn cả trong nước lẫn Đông Nam Á.

Vừa qua, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã ban hành nghị quyết về việc thông qua tái cấu trúc công ty con và công ty liên kết.

Doanh nghiệp thông qua chuyển đổi chủ sở hữu công ty TNHH Dịch vụ Lắp đặt – Bảo hành Tận tâm (Tận Tâm) thành CTCP; Chuyển đổi sở hữu công ty TNHH MTV 4K FARM thành CTCP; Tái cấu trúc CTCP Bán lẻ An Khang đồng thời thành lập công ty (cổ phần) để kinh doanh dịch vụ kho bãi và vận chuyển hàng hóa.

Đối với Thế Giới Di Động, việc tái cơ cấu trúc công ty con và công ty liên kết thể hiện rằng doanh nghiệp muốn chuyển hướng phục vụ cho các khách hàng bên ngoài.

Công ty cho biết việc này nhằm mục đích cung cấp tối ưu và đa dạng dịch vụ cho các đối tác bên ngoài cũng như tạo cơ hội huy động vốn để mở rộng các mảng kinh doanh dịch vụ trong tương lai.

Đơn cử như Tận Tâm được chuyển đổi từ hướng vận chuyển, lắp ráp các thiết bị cho Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sang kinh doanh dịch vụ giao hàng tới các sàn thương mại điện tử, thậm chí phát triển cả dịch vụ shipper công nghệ.

Hay như 4K FARM đang cung cấp nông sản cho Bách Hóa Xanh cũng có kế hoạch cung cấp cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng khác. Như vậy, phạm vi cung cấp dịch vụ các mảng kinh doanh của Thế Giới Di Động cũng sẽ mở rộng hơn, không còn chỉ bó hẹp trong doanh nghiệp.

Thế Giới Di Động tái cấu trúc một loạt công ty con tựa Amazon, Alibaba,... bước đi thể hiện tham vọng chiếm top 1 Đông Nam Á  - Ảnh 2.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài tiết lộ tầm nhìn trong tương lai của Thế Giới Di Động là trở thành nhà bán lẻ đứng đầu khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Dân Trí).

Nhìn rộng ra trên thế giới, mô hình này cũng có những nét tương tự với nhiều ông lớn, chẳng hạn như Amazon hay Alibaba, những doanh nghiệp bán lẻ đã thành công khi tái cấu trúc các công ty con.

Ngày nay, ai cũng biết Amazon là công ty công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, tập trung vào điện toán đám mây, truyền phát kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử. Công ty được tỷ phú Jeff Bezos thành lập từ năm 1994, và cho đến hiện tại, công ty này đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới với giá trị vốn hóa lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Đóng góp một phần không nhỏ vào thành công chung của Amazon ngoài mảng thương mại điện tử đã quá nổi tiếng phải kể đến công ty con của họ, Amazon Website Servies (AWS). 

AWS là nền tảng điện toán đám mây toàn diện và được sử dụng rộng rãi cho các cá nhân, công ty và chính phủ, trên cơ sở trả tiền theo nhu cầu sử dụng (Pay as you go). Ban đầu, công ty con này chỉ là một bộ phận chuyên trách các dịch vụ web cho Amazon.

Tuy nhiên, sau khi được tách riêng và trao quyền tự chủ nhiều hơn, đơn vị này đã mở rộng cung cấp giải pháp, dịch vụ web,… cho các bên thứ ba. Ngày nay, AWS có cơ sở hạ tầng đám mây toàn cầu mở rộng nhất với 81 vùng, sẵn sàng tại 25 khu vực địa lý trên khắp thế giới và đã thông báo về kế hoạch tăng thêm 24 vùng sẵn sàng và 8 khu vực AWS khác tại Úc, Ấn Độ, Indonesia, Israel, New Zealand, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Theo Gartner - một đơn vị tư vấn và nghiên cứu công nghệ, AWS là công ty dẫn đầu ngành dịch vụ lưu trữ đám mây năm 2020 khi chiếm tới 41% thị phần. Doanh thu trong quý III của AWS đạt hơn 16 tỷ USD, tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm trước. 

Cùng với đó, tuy doanh thu của AWS chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Amazon, nhưng lại đem về khoản lợi nhuận kếch xù lên tới 4,88 tỷ USD, trong khi lợi nhuận hoạt động tại công ty mẹ chỉ là 880 triệu USD. Nếu không có khoản lãi khổng lồ từ AWS, có thể Amazon đã ghi nhận lỗ trong quý III.

Thế Giới Di Động tái cấu trúc một loạt công ty con tựa Amazon, Alibaba,... bước đi thể hiện tham vọng chiếm top 1 Đông Nam Á  - Ảnh 1.

AWS đem về lợi nhuận khổng lồ cho Amazon trong quý III. (Ảnh: Reuters).

Hay như Alibaba, gã khổng lồ này được tỷ phú Jack Ma thành lập năm 1999 cùng 17 người khác. Ngày nay, Alibaba được biết tới là một tập đoàn đa lĩnh vực, nhưng tập trung chủ yếu về thương mại điện tử B2B. 

Sau một thời gian hoạt động, Alibaba Group cũng thành lập một số công ty con, chẳng hạn như Đào Bảo – đối thủ chính của eBay hay Chi Phó Bảo – đối thủ chính của Paypal tại Trung Quốc.

Năm 2007, Alibaba cũng tách riêng mảng phần mềm kinh doanh phục vụ cho các công ty vừa và nhỏ có tên Alisoft. Theo Reuters, Alisoft sẽ cung cấp các công cụ phần mềm trực tuyến để giúp khách hàng thực hiện các công việc như quản lý hàng tồn kho và khách hàng, bán hàng và tiếp thị. 

Sau một năm thử nghiệm miễn phí, Alisoft có 500.000 người dùng hoạt động và hơn 3 triệu người dùng đã đăng ký. "Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành công ty phần mềm tốt nhất Trung Quốc trong thời gian ba năm. Chúng tôi đã đầu tư gần 13 triệu USD cho Alisoft", tỷ phú Jack Ma, người khi đó còn giữ chức Chủ tịch Alibaba Group chia sẻ.

Gần đây, đích thân Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã tiết lộ về tầm nhìn của tập đoàn trong tương lai với mong muốn trở thành nhà bán lẻ số một Đông Nam Á. Doanh nghiệp cũng sẽ hướng sang những mảng kinh doanh khác, thay vì tập trung toàn lực với tư cách là một nhà bán lẻ điện thoại, điện máy. 

Vì vậy, có thể thấy việc tái cấu trúc các công ty con và công ty liên kết là một bước đi đúng với những gì ông Tài từng tuyên bố. Dù vậy, những mảng kinh doanh dịch vụ mà Thế Giới Di Động hướng đến như vận chuyển, logisitics, nông sản,… đều tương đối cũ tại thị trường Việt Nam. 

Thậm chí, một số lĩnh vực đã có sự phân hóa rõ ràng thị phần giữa các ông lớn với đối thủ khác. Ngoài ra, nếu nhìn rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á, số lượng đối thủ lớn mà Thế Giới Di Động có thể đối mặt còn lớn hơn nhiều lần.

Trong khi đó, nếu so với Amazon khi triển khai chiến lược tái cấu trúc các mảng kinh doanh nhỏ, dịch vụ lưu trữ đám mây AWS khi ấy vẫn còn quá non trẻ, chưa có quá nhiều sự cạnh tranh.

Do đó, để thực hiện được tham vọng trở thành nhà bán lẻ số một Đông Nam Á, đồng thời hướng san những mảng kinh doanh khác, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài và đội ngũ Thế Giới Di Động cần có những kế hoạch, chiến lược đặc biệt để tiến xa hơn.

Quốc Anh