|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát rót gần 10.000 tỷ vào Dung Quất 2 trong một quý

10:49 | 05/02/2024
Chia sẻ
Tập đoàn này đã rót 22.555 tỷ đồng vào siêu dự án Dung Quất 2, tương đương tăng hơn 9.824 tỷ đồng trong quý IV hoặc tăng 13.125 tỷ đồng trong cả năm 2023.

Theo báo cáo kinh doanh quý IV/2023, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết đang bám sát tiến độ đầu tư và hiệu quả các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2.

Siêu dự án Dung Quất 2 đã đạt khoảng 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch ban lãnh đạo đề ra. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm và vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Đã chi gần 1 tỷ USD vào cú đấm thép

Tại thời điểm cuối năm, Hòa Phát đã rót đến 22.555 tỷ đồng vào Khu liên hợp gang thép trên, tương đương tăng hơn 9.824 tỷ đồng so với quý III và tăng 13.125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2023. 

Lãnh đạo Hòa Phát xem Dung Quất 2 là "quả đấm thép" với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3 tỷ USD, tương đương với khoảng 1.000 dự án vừa và nhỏ, hay bằng 100 dự án lớn khác mà tập đoàn này phải tự lực đầu tư. Do đó, tiến độ dự án được cả doanh nghiệp và giới đầu tư quan tâm.  

Khu liên hợp sản xuất gang thép mới dự tính hoàn thành vào quý I/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tập đoàn kỳ vọng mất khoảng 3 năm để vận hành tối đa công suất.  

 Hòa Phát đã đầu tư dở dang 22.555 tỷ đồng vào siêu dự án Dung Quất 2 quy mô dự kiến 3 tỷ USD. Ảnh: HPG.  

Chi phí xây dựng dở dang 22.555 tỷ đã dồn vào Dung Quất 2 chiếm tỷ trọng lớn hơn 21% trong cơ cấu tài sản dài hạn. Giá trị dự án khi hoàn thành sẽ được hạch toán sang khoản mục tài sản cố định (hiện ở mức 72.000 tỷ đồng). 

Trong một báo cáo phân tích, VNDirect kỳ vọng việc đẩy nhanh tiến độ dự án sẽ đảm bảo việc tăng công suất sản xuất HRC từ 3 triệu tấn lên 6 triệu tấn trong nửa cuối năm 2025 (do giai đoạn 1 chỉ hoạt động khoảng 50% công suất).

Sau khi được vận hành tối đa, dự án sẽ nâng cao triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát giai đoạn 2025-2027 với tốc độ tăng trưởng kép ước tính 30% nhờ bổ sung thêm 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại. 

Một số dự án dở dang khác cũng được Hòa Phát đầu tư lớn là tổ hợp nhà máy Container với giá trị 1.833 tỷ đồng, đầu tư thêm vào Khu liên hợp Gang thép Hải Dương 639 tỷ đồng, dự án nông nghiệp gần 380 tỷ đồng, đều tăng thêm giá trị đầu tư trong năm vừa qua.

Vay nợ kỷ lục, mỗi ngày trả lãi 10 tỷ đồng 

Bên cạnh Dung Quất 2, Hòa Phát còn đang triển khai nhiều dự án lớn khác như cảng tổng hợp tại khu kinh tế Dung Quất, nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy sản xuất hàng điện máy gia dụng tại Hà Nam...

Để có nguồn tài trợ mở rộng đầu tư, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng quy mô nợ vay trong năm ngoái thêm 13% để lên mức kỷ lục 65.381 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với gần 55.000 tỷ đồng. 

Theo đó, Hòa Phát phải gánh lãi vay gần 3.600 tỷ đồng một năm, tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Ước tính bình quân mỗi ngày, tập đoàn thép lớn nhất nước phải trả gần 10 tỷ đồng lãi vay.

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Về bức tranh kinh doanh chung, trong quý IV/2023, Hòa Phát có doanh thu hợp nhất 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở 2.969 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ cùng kỳ và tăng 48% so với quý III/2023. 

Trong đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh thép vẫn đóng góp chủ lực với tổng cộng 35.746 tỷ doanh thu và 3.476 tỷ lợi nhuận, chiếm lần lượt 95% và 94% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn (chưa loại trừ nội bộ). 

Trong khi đó, mảng nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần 5% tỷ trọng về doanh thu và chuyển sang có lãi 88 tỷ đồng. Mảng bất động sản chỉ đóng góp gần 1% doanh thu nhưng mang về số lãi 121 tỷ đồng trong quý cuối năm. 

Mảng thép tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tỷ trọng lớn trong quý cuối năm, chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép cuộn cán nóng tăng 20% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nhận thấy tình hình đang tốt dần khi sản lượng bán tăng trưởng qua từng quý và đạt mức cao nhất vào cuối năm, kể cả trong nước lẫn xuất khẩu. 

Tính chung cả năm 2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 120.355 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022 và mới hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết thêm đã vận hành lại toàn bộ các lò cao của tất cả các khu liên hợp tại thời điểm cuối năm 2023. Doanh nghiệp có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương; ngoài ra còn 1 lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu.  

Huy Lê

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.