|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai lãnh đạo cấp cao của FLC xin từ nhiệm đầu năm

07:34 | 05/02/2024
Chia sẻ
Một thành viên Ban Kiểm soát và một Phó Tổng Giám đốc của FLC đã xin từ nhiệm ngay đầu năm 2024.

CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cho biết ngày 1/2, HĐQT tập đoàn đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí thành viên Ban Kiểm soát của ông Nguyễn Quang Thái.

Trong đơn từ nhiệm, ông Thái cho biết vì một số lý do cá nhân, ông có nhiều công việc cần giải quyết nên không thể tập trung thực hiện tốt công việc được giao tại chức vụ thành viên Ban Kiểm soát ở Tập đoàn FLC. Do đó, ông Thái xin rút khỏi Ban Kiểm soát kể từ ngày 1/2.

Ông Thái cũng xin không tham gia các cuộc họp liên quan đến Ban Kiểm soát và không tham gia ý kiến biểu quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền kể từ ngày nộp đơn. Đồng thời, ông đề nghị Đại hội đồng cổ đông, HĐQT FLC xem xét và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để thông qua đơn từ nhiệm.

Ông Nguyễn Quang Thái sinh năm 1984, là Thạc sỹ Kinh tế. Ông Thái được bầu vào Ban kiểm soát của FLC vào tháng 7/2022. Trước ông Thái thì cuối tháng 11, ông Nguyễn Tri Thống cũng đã nộp đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Ban Kiểm soát.

Cách đây chục ngày, HĐQT của FLC cũng thông qua đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc của ông Trần Thế Anh kể từ ngày 24/1. Ông Trần Thế Anh sinh năm 1978, trình độ Thạc sĩ Luật. Ông Thế Anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng của FLC từ tháng 6/2014.

Ngày 20/2 tới, FLC sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 sau khi họp bất thành vào ngày 2/1 do số lượng cổ đông tham dự không đạt trên 50%.

Buổi họp dự kiến thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm đồng thời miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Nguyễn Tri Thống và dự kiến thông qua miễn nhiệm thêm ông Nguyễn Quang Thái.

Nếu được chấp thuận, HĐQT của FLC chỉ còn ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT cùng hai thành viên HĐQT là bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương.

Ngoài ra, buổi họp còn dự kiến báo cáo kết quả tái cơ cấu Tập đoàn FLC và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 của công ty.

Hoàng Kiều

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.